Sơn Tây phát triển kinh tế rừng

04:04, 26/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện miền núi Sơn Tây có tổng diện tích đất tự nhiên 38.149,23ha, trong đó có khoảng 21.900ha đất có rừng. Vì thế, huyện tập trung phát triển kinh tế rừng để giúp các hộ dân thoát nghèo.

Đồng bào Sơn Tây chủ yếu sống dựa vào nghề rừng. Ngoài nguồn thu nhập dưới tán rừng, đồng bào còn biết phát triển các loại cây đặc sản như cau, quế để tăng thu nhập. Đặc biệt là trong những năm gần đây, khi các loại cây nguyên liệu như bạch đàn, keo... có giá thì người dân Sơn Tây cũng như đồng bào ở các huyện miền núi khác trong tỉnh đã biết trồng keo với diện tích lớn để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, diện tích rừng của huyện Sơn Tây phát triển nhanh chóng.

Rừng keo phủ kín núi đồi Sơn Tây.
Rừng keo phủ kín núi đồi Sơn Tây.


Nhiều diện tích đất lâm nghiệp trước đây bị bỏ trống nay đã được người dân tận dụng trồng rừng với màu xanh phủ kín. Những năm gần đây, mỗi năm người dân Sơn Tây trồng khoảng 1.000ha rừng mới; hằng năm cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn nguyên liệu gỗ. Năm 2015 vừa qua, sản lượng gỗ Sơn Tây khai thác được lên tới hơn 33.500tấn. Hiện đang có một số doanh nghiệp đề nghị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Kinh tế rừng phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 21,882 triệu đồng/người/năm (101,8% kế hoạch tỉnh giao); tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện trong năm 2015 đạt 91 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2014.

  Huyện còn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, với diện tích hơn 7.088,8ha theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Công tác giao rừng, cho thuê rừng cũng được huyện chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã giao được 1.783,94 ha/402 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có rừng và đã tiến hành bàn giao trên thực địa cho 359 hộ cùng với 20 cộng đồng dân cư.

  Những năm gần đây, huyện Sơn Tây nhận thấy nếu trong kinh tế rừng mà chỉ phát triển thuần cây nguyên liệu như keo... thì hiệu quả không cao, bởi thực chất chỉ lấy công làm lời, do vận chuyển xa. Từ thực tế đó, huyện đã chủ trương khuyến khích người dân và các ngành hữu quan cần sớm thực hiện các chương trình về trồng cây gỗ lớn và trồng rừng theo hướng tiến tới được cấp chứng chỉ rừng (EFC), nhằm gia tăng giá trị gỗ. Hơn nữa, môi trường sinh thái cũng được bảo đảm hơn.

Học tập nhiều mô hình mới

Huyện Sơn Tây hiện đang tích cực tìm kiếm các mô hình kinh tế rừng đạt hiệu quả cao, như đang trồng thực nghiệm cây mắc ca tại 3 xã Sơn Bua, Sơn Liêng, Sơn Long với diện tích 6ha (mỗi xã 2ha). Cây đang trong thời kỳ theo dõi, khảo nghiệm tính thích nghi về sinh trưởng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Nếu đạt hiệu quả cao thì mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Hiện nay, ở một số vùng lân cận như các tỉnh Kon Tum, Trà My (Quảng Nam) đang phát triển mạnh mô hình trồng sâm Ngọc Linh, Sơn Tây cũng dự định sẽ áp dụng mô hình này tại địa phương mình trong thời gian tới. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích đồng bào phát triển các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

 


Bài, ảnh: NGUYẾN KHÂM




 


.