Phát triển hạ tầng công nghiệp: Còn nhiều việc phải làm

08:04, 19/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, những năm qua Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KKT Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thấp và chưa huy động tốt nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp nên hạ tầng công nghiệp của tỉnh phát triển còn chậm...

TIN LIÊN QUAN

Kết quả bước đầu

Trong giai đoạn 2011-2015, vốn ngân sách bố trí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, qua đó đã xây dựng hoàn thành các tuyến đường: Trục KCN phía đông Dung Quất; nâng cấp tuyến đường Dốc Sỏi - Nhà máy đóng tàu; cầu cảng cá Trà Bồng... Hiện đang triển khai các dự án: Hai tuyến đường gom Quốc lộ 1; đường Võ Văn Kiệt giai đoạn 2; hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải KCN phía đông cảng Dung Quất; cầu Trà Bồng. Cùng với đó đã khởi công mới các dự án: Đường Trì Bình - cảng Dung Quất; kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân TĐC, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh hạ lưu sông Trà Bồng; triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, TĐC phục vụ dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất...

 Cần xã hội hóa thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Công ty Doosan Vina ở KKT Dung Quất.
Cần xã hội hóa thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Công ty Doosan Vina ở KKT Dung Quất.


Ngoài vốn ngân sách, Quảng Ngãi đã thu hút được dự án Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP. Hiện chủ đầu tư đã đầu tư 47 triệu USD triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành hạ tầng KCN giai đoạn 1A (183ha), đảm bảo hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp thứ cấp; đồng thời đang tiếp tục phát triển giai đoạn 1B: 115ha.

Đối với các KCN ngoài KKT Dung Quất (gồm KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và Phổ Phong, với tổng diện tích trên 390ha), trong 5 năm trở lại đây tỉnh đã đầu tư trên 237 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ đó KCN Quảng Phú đã hoàn thành 100% các hạng mục, KCN Tịnh Phong hoàn thành 80%...
 

Trong 5 năm 2011-2015, tỉnh ta đã thu hút và cấp phép 129 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 65.000 tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 57%; giá trị công nghiệp tăng bình quân 6%/năm (nếu không tính sản phẩm lọc dầu tăng 15,5%/năm); tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong tổng thu ngân sách tỉnh bình quân 74%/năm; lao động ngành công nghiệp 136.652 người, chiếm 18% tổng số lao động đang làm việc.

Cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng công nghiệp

 Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu phát triển hiện nay thì hạ tầng các KCN trong KKT Dung Quất vẫn chưa đồng bộ, hoàn thiện. Hạ tầng KCN Tịnh Phong chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; KCN Phổ Phong chưa được đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư hạn chế và cơ sở hạ tầng ở các cụm CN còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của công nhân trong KKT Dung Quất và các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng đến năng suất lao động và thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng trên là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua quá thấp, khoảng 65.592 tỷ đồng, đạt 41% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra, giảm 25,5% so với giai đoạn trước. Bên cạnh ngân sách còn hạn hẹp, thì nguồn vốn huy động xã hội đầu tư cho công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời hiệu quả thu hút đầu tư và giám sát quá trình thực hiện đầu tư thấp, chưa kịp thời có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh...

Ông Lê Văn Dũng - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xã hội hóa hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. “Ngoài KCN VSIP chúng ta cần kêu gọi thêm các nhà đầu tư có năng lực để đầu tư các KCN. Bởi thực tế hiện nay, việc “tiếp thị đầu tư” của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hiệu quả hơn hoạt động xúc tiến đầu tư từ phía cơ quan nhà nước, điển hình như VSIP”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành của tỉnh cần đặc biệt quan tâm cải thiện khả năng, điều kiện tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp. Hình thành các quỹ đất sạch ở các khu vực có triển vọng thu hút đầu tư; tiếp tục cải thiện hạ tầng, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư để “kéo” nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh. Có vậy mới tạo động lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.