Công nghiệp hỗ trợ: Cần sự trợ lực

08:04, 27/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành công nghiệp đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi (chiếm 57% tỷ trọng GRDP của tỉnh). Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn chỉ là lọc hóa dầu, hóa chất. Trong khi đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ còn khá manh mún.

Thành quả bước đầu

Trong 5 năm trở lại đây, các lĩnh vực công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển, điện tử, công nghệ thông tin đã có sự phát triển đáng kể, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 36,2%/năm. Năm 2015, giá trị sản xuất các ngành này đạt 6.330 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó, lĩnh vực cơ khí, gia công kim loại chủ yếu dựa vào hoạt động của Nhà máy Doosan Vina, sản phẩm là máy móc thiết bị nặng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ở lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin có Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử Foster (đi vào hoạt động năm 2012 tại KCN Tịnh Phong), với tổng vốn đầu tư 174 tỷ đồng, công suất 480 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho 2.200 lao động.

Sản phẩm cơ khí chế tạo là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Trong ảnh: Chế tạo cơ khí tại Doosan Vina (KKT Dung Quất). Ảnh:  PV
Sản phẩm cơ khí chế tạo là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Trong ảnh: Chế tạo cơ khí tại Doosan Vina (KKT Dung Quất). Ảnh: PV


Đối với công nghiệp dệt may, da giày, giá trị sản xuất năm 2015 đạt 661 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 30%/năm. Đây là ngành có xu hướng phát triển tốt, những năm gần đây đã thu hút thêm một số dự án dệt may, da giày có quy mô tương đối, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy may Vinatex Tư Nghĩa (cụm CN La Hà), công suất thiết kế 34 chuyền. Nhà máy giày RIEKER (KCN Tịnh Phong), quy mô 7-8 triệu đôi/năm. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
 
 

6 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển

Theo Nghị định 115 (ban hành ngày 3.11.2015) của Chính phủ, có 6 nhóm sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm các ngành: Dệt may; da giày; điện tử; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Chính sách ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước…

Nhưng cần sự trợ lực

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công nghiệp hỗ trợ những năm qua vẫn còn khá manh mún. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy (về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh) đã đề ra. Trong đó, hai ngành đóng tàu biển và luyện thép được tỉnh kỳ vọng phát triển mạnh mẽ, nhưng đến nay ở tỉnh chưa có ngành luyện kim, còn đóng tàu biển thì sau tái cơ cấu phục hồi chậm. Các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giày, điện tử chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng thấp...

Một nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng trên là sự trợ lực từ phía Nhà nước đối với các ngành công nghiệp nói trên vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp thiếu hấp dẫn. Môi trường đầu tư tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng.

Theo ông Edmun Chong- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi, sau khi Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, thời gian đến sẽ có thêm rất nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành cần nguồn lao động sản xuất tập trung như dệt may, giày da, điện tử. “VSIP Quảng Ngãi sẽ tiếp tục quảng bá và thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chúng tôi cần chuẩn bị đủ nguồn đất công nghiệp cho các nhà đầu tư tiềm năng này. Đồng thời, mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ để tạo nên một môi trường đầu tư thân thiện cho nhà đầu tư khi đến Quảng Ngãi, cũng như  KCN VSIP Quảng Ngãi”, ông Edmun Chong nói.

 Một vấn đề đặt ra nữa là, tỉnh cần đẩy mạnh công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khâu đầu tiên tìm hiểu cơ hội đầu tư, đến triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Đặc biệt, phải xây dựng và công khai quy trình xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế...


PHẠM DANH

 


.