Cảng cá đã có, ngư dân vẫn gặp khó

03:04, 15/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thực tế tại Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi (Cảng cá Sa Kỳ), dù công trình mới đưa vào khai thác, sử dụng.

TIN LIÊN QUAN

Xếp hàng bán cá

 Việc xây dựng và bố trí các hạng mục tại Cảng cá Sa  Kỳ có nhiều điểm bất hợp lý khiến ngư dân cũng như thương lái gặp rất nhiều khó khăn. “Mỗi lần cập tàu vào bán cá phải xếp hàng đợi cả ngày, bất tiện lắm!”, ngư dân Trần Văn Mai, thôn Ân Kỳ, xã Tịnh Kỳ bộc bạch. Bởi, dù sân bãi rộng, đường sá thuận lợi cho xe trọng tải lớn ra vào vận chuyển nhưng tại cầu cảng, mỗi lần chỉ có vài ba chiếc tàu được cập vào để bán sản phẩm. Vậy nên sản lượng thủy sản được chuyển lên xe không nhiều, thương lái đành phải đợi.
 

 

Việc mua bán của ngư dân gặp nhiều bất tiện do cầu cảng ngắn, số tàu thuyền cập cảng mỗi lần bị  hạn chế.
Việc mua bán của ngư dân gặp nhiều bất tiện do cầu cảng ngắn, số tàu thuyền cập cảng mỗi lần bị hạn chế.

Hơn nữa, lượng tàu thuyền của các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện có cả nghìn chiếc, nên vào mùa khai thác thủy sản, hoạt động mua bán diễn ra rầm rộ thì Cảng cá Sa Kỳ lại xảy ra tình trạng ùn tắc, tranh chấp chỗ neo đậu, gây mất an ninh trật tự. Công tác quản lý, điều hành vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn, kém hiệu quả. Điều này đã khiến nhiều chủ tàu cũng như thương lái ngán ngẩm, đành cập cảng khác để bán thủy sản, dù không muốn.

“Cảng cá Sa Kỳ có đội ngũ bốc xếp, dọn vệ sinh môi trường bài bản nên mình đỡ vất vả, nhưng mà cứ phải đợi cả buổi mới cân mua được cá thì lỡ việc, lại tốn kém quá”, bà Nguyễn Thị Diễm, đầu nậu thu mua thủy sản ở xã Tịnh Kỳ cho biết.

Cảng cá Sa Kỳ khởi công xây dựng năm 2009 với kinh phí gần 83 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 79 tỷ. Quy mô xây dựng các hạng mục: Công trình thủy công gồm bến cập tàu, kè bãi cảng... và công trình hạ tầng kỹ thuật- dịch vụ hậu cần nghề cá.
Xảy ra tình trạng trên, theo ông Bùi Văn Khôi - Ban Quản lý (BQL) Cảng cá Sa Kỳ là do chiều dài cầu cảng chỉ hơn 100m. Vì thế, mỗi lần chỉ 5 chiếc tàu công suất lớn cập cảng. Do đó, dù biết việc buôn bán của ngư dân gặp nhiều bất tiện nhưng BQL cũng đành chịu!

  Một vấn đề nữa là, dù phần trên cạn được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhưng hiện tại, ngoài Nhà máy đóng sửa tàu thuyền của Công ty TNHH MTV Minh Quang và Nhà máy bột cá Thanh Hoa, thì các dịch vụ hậu cần khác vẫn chưa hình thành. “Chúng tôi cần nhất là đá, dầu thì lại chưa có nhà máy. Không lẽ cho tàu về đây bán cá rồi chạy tới chỗ khác nộp nhiên liệu, mua thực phẩm”, ông Mai cho hay.

Tránh trú bão: Thiếu an toàn

Một trong những điểm bất hợp lý lớn nhất tại Cảng cá Sa Kỳ chính là thiếu khu neo đậu. Theo nhiều ngư dân, hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá phải đi đôi với khu neo đậu, tránh trú bão. Bởi, “không lẽ khi đang bán cá ở cảng mà gặp mưa bão, chúng tôi phải đưa tàu đi nơi khác để neo đậu tránh trú”, ngư dân Huỳnh Tấn Hiền, xã Nghĩa An đặt vấn đề.

Cảng cá Sa Kỳ hiện tại chỉ có chức năng phục vụ cho các hoạt động buôn bán và thu mua thủy sản. Theo ông Bùi Văn Khôi, trong điều kiện thời tiết bình thường, Cảng cá Sa Kỳ chỉ có thể đảm bảo nơi neo đậu cho 70 – 80 chiếc tàu. Nhưng khi xảy ra mưa to gió lớn, BQL không thể bố trí, sắp xếp cho tàu thuyền vào đây neo đậu tránh trú, vì không đảm bảo an toàn. Đã thế, Cảng cá hiện vẫn chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy nên BQL rất lo ngại sẽ xảy ra tình trạng cháy nổ, nhất là khi hoạt động cũng như việc quản lý, điều hành vẫn chưa đi vào quy cũ.  

Do đó, cùng với BQL Cảng cá Sa Kỳ, UBND xã Tịnh Kỳ cũng kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu, đầu tư mở rộng cầu cảng cũng như xây dựng đồng bộ các hạng mục, ngành nghề phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngư dân trên địa bàn tỉnh. “Điều này không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả công trình, mà còn  thúc đẩy việc thu hút đầu tư vào cảng cá”, ông Đinh Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ khẳng định.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA

 

.