Bấp bênh cây mía, cây mì

10:04, 15/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mía và mì - hai loại cây trồng từng được xem là chủ lực trong cơ cấu các loại cây trồng, kèm vùng nguyên liệu quy hoạch bài bản. Nhưng rồi nó lại bị nông dân than phiền, thậm chí quay lưng...

TIN LIÊN QUAN

Từ bấp bênh...

“Ngày trước ra đường là gặp mía. Bây giờ ra đường toàn gặp keo”, ông Trần Mười, thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) nói. Ngay bản thân ông, diện tích mía canh tác giai đoạn 1990 – 2009 lên đến 2ha, nhưng giờ chỉ còn vài sào. Nguyên nhân cũng vì giá mía sụt giảm, từ 1,2 triệu đồng xuống còn 850 – 950 nghìn đồng/tấn; trong khi giá nhân công, chi phí sản xuất lại tăng, khiến người trồng mía bị thua lỗ, đành chuyển phần lớn diện tích mía sang trồng các loại cây trồng khác.

Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mở ra bước ngoặt mới cho người trồng mía. Trong ảnh: Máy đang rạch hàng và trồng mía.
Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mở ra bước ngoặt mới cho người trồng mía. Trong ảnh: Máy đang rạch hàng và trồng mía.


Giữa lúc cây mía bị nông dân quay lưng khiến diện tích sụt giảm hàng nghìn hecta, thì mì lại nhận được sự quan tâm của bà con. Nhất là khi năm 2009, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm chính thức cho ra dòng sản phẩm đầu tiên hồi đầu tháng 2.2013. Đây được xem là chất xúc tác để nâng cao hiệu quả của cây mì, cải thiện thu nhập cho nông dân. Do đó, diện tích mì trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, từ hơn 19.800ha năm 2012 lên trên 20.000ha năm 2015. Và theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, vùng mì nguyên liệu đạt diện tích 24.500ha.

Song hiện giờ, Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất hoạt động kém hiệu quả, phải đóng cửa, kỳ vọng của người trồng mì bỗng chốc tiêu tan. “Có mỗi nhà máy mì Sơn Hải, nên thương lái ép lắm! Nhiều khi nhà máy thu mua 1.600 – 1.800đồng/kg mì tươi, nhưng lúc nào thương lái cũng mua thấp hơn vài giá. Thậm chí, có người bán mì tại ruộng chỉ với giá 1.000 – 1.100 đồng/kg, lại còn phải chịu 8 – 10% tạp chất nên không có lãi”, ông Đinh Văn Tót, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) bộc bạch. Do đó hiện giờ, chính quyền một số địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cây mì để “cải tạo đất và nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Theo bà Đồng Nhật Thẩm- Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà thì vụ mì năm 2015, năng suất chỉ đạt 155 tạ/ha, thấp hơn bình quân toàn tỉnh 31 tạ/ha, nên thu nhập của nông dân không cao. Nguyên nhân là do giống mì bị thoái hóa nên năng suất thấp, lại dễ nhiễm bệnh chổi rồng, xì mủ; nông dân cũng không chú trọng đầu tư thâm canh.

...đến lối đi riêng

Khác với cảnh lận đận giai đoạn 2009 – 2014, niên vụ 2015, cây mía có sự khởi sắc khi được nông dân quan tâm trở lại. “Thấy mỗi hecta mía nông dân xã Phổ Nhơn thu được hơn trăm tấn, lãi ròng 45 triệu đồng, mà tôi mê lắm! Vậy nên vụ này tôi quyết thuê đất và làm 4ha mía theo cách của nhà máy ”, ông Đặng Văn Hải, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) thổ lộ. Sự quyết tâm của ông Hải xuất phát từ năng suất mía đạt 80 – 120 tấn/ha, cao gấp 2 – 3 lần so với trước nhờ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Theo quy trình này, nông dân không còn nhọc công “rạch hàng, bón phân, giâm hom” như trước, bởi tất cả các công đoạn trên đã được máy móc đảm nhận. Thời gian trồng một hecta mía vì thế cũng giảm từ 15 – 20 ngày xuống còn 1-2 ngày.

 Vận chuyển khó, lại bị thương lái ép giá nên lợi nhuận của người trồng mì không cao.
Vận chuyển khó, lại bị thương lái ép giá nên lợi nhuận của người trồng mì không cao.


Thuận lợi thế, nhưng ban đầu người dân vẫn còn hoài nghi. Nhất là khi nhà máy đề cập đến chuyện phá bờ dồn ruộng. Thế nên, dù cam kết bảo hiểm năng suất từ 80 – 100 tấn/ha tùy vùng đất, nhưng niên vụ mía 2015, nhà máy cũng chỉ “trình diễn” được 106ha. Tuy nhiên, khi bước vào vụ thu hoạch mía 2015, nghi ngại của người dân đã được thay bằng sự phấn khởi và niềm tin. “Năng suất mía của tôi đạt hơn con số nhà máy bảo hiểm. Cộng với giá bán cao nên vụ rồi, mỗi hecta mía tôi lãi gần 50 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) bày tỏ.

Không chỉ bảo hiểm năng suất, nhà máy còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, miễn 10% chi phí làm đất... Đặc biệt, với những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, nếu nông dân có nhu cầu chuyển đổi sang trồng mía, nhà máy sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chi phí thực hiện. “Tiếng lành” đồn xa, niên vụ năm 2016, có đến 500ha mía được trồng theo quy trình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Với năng suất mỗi hecta đạt 80 – 120 tấn, số diện tích trên đáp ứng 50% công suất hoạt động của nhà máy. “Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và phá bờ, dồn điền đổi thửa đã mở ra bước ngoặt mới cho cây mía. Đây cũng là yếu tố giúp nhà máy và nông dân xích lại gần nhau hơn, đảm bảo đôi bên cùng có lợi”, ông Tạ Công Tường-Giám đốc Nhà máy chia sẻ.  

Cây mía đã thoát được sự bế tắc nhờ nhà máy mạnh dạn thay đổi phương thức và mối quan hệ với nông dân. Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rất mong các loại cây trồng khác có được sự cam kết từ chính các doanh nghiệp thu mua như cây mía để họ yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.