"Ăn theo" mùa gặt

02:04, 21/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này, các cánh đồng trên địa bàn bàn tỉnh đang vào giai đoạn thu hoạch rộ và đây cũng là dịp mưu sinh theo thời vụ của nhiều người hành nghề gặt lúa thuê, thu mua rơm… để kiếm thêm thu nhập. 
Dịch vụ gặt lúa thuê
 
Là vựa lúa của tỉnh, thời điểm này những đồng  lúa tại các địa phương ở huyện Mộ Đức chín trải dài mênh mông. Khắp các cánh đồng đang vào cao điểm thu hoạch lúa, cùng với hình ảnh bà con nông dân tất bật ra đồng, không  khí ngày mùa càng sôi động hẳn lên khi có sự xuất hiện của những chiếc máy gặt đập liên hợp giúp nông dân thu hoạch lúa.
 
Mặc dù đã 12 giờ trưa, dưới cái nắng như đổ lửa, trên cánh đồng mênh mông ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) nhưng  chiếc máy gặt đập liên hợp của anh Ngô Minh Quang vẫn chạy đều đều trên những thửa ruộng lúa chín vàng. Chỉ trong một thời gian ngắn dưới sự điều khiển của anh Quang, “con trâu sắt” đã thu hoạch xong  thửa  ruộng hơn 4 sào trong sự hồ hởi, phấn khởi của ông Bảy Bình ở xã Đức Thạnh- chủ nhân của thửa ruộng.
 
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, gạt mồ hôi chảy dài trên gương mặt rám nắng, anh Ngô Minh Quang bày tỏ: Máy chạy từ 5 giờ sáng đến giờ. Đang vào thời điểm bà con thu hoạch rộ, nên nhu cầu tăng cao, chính vì vậy, tôi phải tranh thủ thời gian để đáp ứng kịp thời các “đơn đặt hàng” của bà con nông dân. Thậm chí tranh thủ ban đêm tôi phải mở thêm cái đèn pha của máy để thu hoạch lúa cho bà con. 
 
Cách đó không xa, chiếc máy gặt đập liên hợp của ông Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi) cũng đang hoạt động hết công suất. Gần 3 năm nay, từ khi sắm chiếc máy gặt đập liên hợp, cứ đến mùa thu hoạch là vợ chồng ông lại hối hả mang máy gặt ra đồng để gặt thuê. Nhờ nghề gặt thuê này mà mấy năm nay, gia đình ông kiếm được nguồn thu nhập kha khá sau mỗi mùa gặt. 
 
“Nhu cầu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao do những tính năng vượt trội của nó như ít rơi rụng, thu hoạch nhanh, ít tốn công, chi phí thấp hợp túi tiền bà con nông dân. Do đó, những vụ thu hoạch lúa gần đây đa phần bà con đều chuyển sang thuê máy gặt đập liên hợp, nên từ đầu vụ tới giờ máy tôi không có ngày nào nghỉ”- ông Bình cho biết. 
 
Dịch vụ gặt lúa thuê mang lai thu nhập cho nhiều lao động thời vụ
Dịch vụ gặt lúa thuê mang lại thu nhập cho nhiều lao động thời vụ.
 
Theo bà con nông dân, gặt máy nhanh và lợi hơn gặt tay nhiều. Gặt máy 1 sào chi phí 150-200 nghìn đồng và chỉ loáng một tí là xong. Còn gặt tay, phải thuê thợ gặt, tuốt cả ngày, chi phí khoảng 400 nghìn- 500 nghìn đồng/sào
 
Chính sự tiện lợi và hiệu quả của máy gặt đập liên hợp, nên vài năm trở lại đây, máy gặt đập liên hợp được bà con nông dân lựa chọn thay cho sử dụng lao động truyền thống trong thu hoạch lúa. Ngày mùa, trên cánh đồng nặng trĩu lúa vàng chỉ nghe tiếng máy nổ, không còn cảnh chị em phải dàn hàng ngang khom lưng để gặt. Với công suất khoảng 4ha mỗi ngày, khi những con “trâu sắt” ra đồng đã giải phóng sức lao động cho người nông dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
 
Nắm bắt nhu cầu của bà con nông dân, không ít các hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy gặt đập liên hợp về gặt lúa thuê cho nông dân. Hiện tại, nghề gặt thuê đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục hộ gia đình kinh doanh dịch vụ này.  
 
Theo tính toán của các chủ máy gặt, bình quân mỗi vụ thu hoạch lúa, sau khi trừ chi phí,  một máy gặt có thể đem lại khoản lãi trên trăm triệu đồng cho chủ máy. Bên cạnh đó, mỗi máy gặt khi vận hành cần khoảng từ 2-3 lao động, do vậy, dịch vụ gặt thuê này còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn vào mỗi mùa gặt. 
 
Nghề gặt lúa thuê không phải là công việc thường xuyên. Mỗi năm có khoảng 2 vụ, mỗi vụ chỉ gặt trong mươi ngày, nửa tháng. Hết mùa gặt, những người làm dịch vụ gặt thuê chuyển sang làm việc khác, đến mùa lại quay về với ruộng đồng. Tuy mang lại nguồn thu nhập cao, song để theo được nghề này không phải là điều dễ dàng.
 
“Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ nghề gặt thuê  bằng máy móc khá đơn giản, chứ có theo nghề nay rồi mới biết, nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, chịu được nắng nóng vì phải liên tục làm việc ngoài đồng giữa trời nắng, công việc diễn ra liên tục. Ai không đủ sức khỏe là khó bám trụ được với nghề”- anh Ngô Minh Quang chia sẻ.  
 
Buôn rơm vào mùa
 
Thời điểm này, khi những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch rộ cũng là lúc những người hành nghề thu mua rơm vào mùa. Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng rơm trong chăn nuôi và nhiều ngành, nghề sử dụng rơm làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu  dùng rơm để chèn lót khi việc vận chuyển nông sản và nhiều loại hàng hóa khác ngày càng tăng, khiến giá rơm luôn được đẩy lên cao. Kéo theo đó là lực lượng thương lái chuyên thu mua rơm cũng ngày một nhiều. 
 
Bà Lê Thị Nở- một thương lái thu mua rơm ở xã Phổ Văn (Đức Phổ) cho biết: Từ khi nhu cầu rơm tăng cao nên gia đình tôi mấy anh em khi vào vụ đều tỏa đi khắp các cánh đồng trong huyện và vùng lân cận để thu mua rơm về dự trữ bán cho những người có nhu cầu. Từ đầu vụ đông- xuân đến nay, gia đình tôi mua được khoảng 40ha rơm. 
 
Theo bà Nở cho biết, người làm nghề mua rơm như bà hiện nay rất nhiều, chính vì vậy người thu mua rơm cũng cạnh tranh với nhau mới mua được. Hiện tại, giá thu mua rơm giao động từ 150 nghìn - 200 nghìn đồng/sào. Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, nhưng đối với những người thu mua rơm thì đây là vụ thu mua chính, bởi vì mùa hè, trời nắng to, ít mưa. “Người thu mua rơm chúng tôi rất kỵ mưa. Rơm gặp mưa thường bị đen, nhanh mục bán không có giá, thậm chí  là lỗ vốn”- bà Nở cho hay. 
 
Nghề buôn rơm không chi mang lại nguồn thu nhập cho thương lái mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ
Nghề buôn rơm không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho thương lái mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ.
 
Là người có thâm niên trong nghề buôn rơm nhiều năm nay, ông Lê Văn Bắc ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) chia sẻ: Nghề buôn rơm này nom vậy chứ cũng khó khăn lắm. Đầu tiên là phải có nhiều mối quan hệ, nhất là với người nông dân. Như đợt này, hai vợ chồng thu mua rơm với số lượng lên đến khoảng 50ha chứ chẳng ít. Thế nhưng trước kia, có khi chạy xe rong ruổi khắp các cánh đồng cả ngày chỉ mua được vài sào rơm vì nông dân họ chưa biết mình, khó mà mua được.  
 
“Rơm sau khi thu mua tại ruộng, phơi khô, rồi phải thuê người để gom rơm, thuê xe vận chuyển về cất giữ, đến mùa mưa thì mang đi bán cho những người có nhu cầu. Sau mỗi vụ thu mua rơm về bán, trừ hết chi phí, gia đình tôi cũng dư được vài chục triệu đồng. Tiền lãi nhiều hay ít, tùy theo số lượng rơm mình mua được nhiều hay ít mỗi vụ”- ông Bắc tiết lộ. 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tạo việc làm cho nhiều lao động “ăn theo” nghề buôn rơm, thì  nhờ nghề này nhiều hộ mua rơm có cuộc sống khá lên. 
 
Từ khi rơm có giá và được các thương lái lùng sục thu mua thì người nông dân cũng có thêm được một nguồn thu nhập đáng kể. “Trước đây vào mùa thu hoạch lúa, nếu như gia đình nào có trâu bò thì mang rơm về nhà, còn không thì bỏ ngoài đồng cho khô rồi đốt, còn bây giờ rơm được thương lái tìm mua hết, nhờ vậy mà bà con nông dân chúng tôi có thêm nguồn thu để trang trải chi phí trong sản xuất”- ông Nguyễn Văn Hai ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết. 
 
 
Bảo Ngọc
 

 


.