(Báo Quảng Ngãi)- Số lượng dồi dào. Chất lượng ổn định. Thế nhưng, hệ thống kênh phân phối mỏng, lại thiếu chuỗi cung ứng an toàn đã khiến nhiều loại sản phẩm nông sản ngày càng xa tay người tiêu dùng...
TIN LIÊN QUAN
Lạm dụng“nông sản sạch”
Tỏi Lý Sơn, rau an toàn, cá bống sông Trà... những đặc sản Quảng Ngãi đang bày bán ở khắp các chợ, cửa hàng, cơ sở, thậm chí cả... quán cơm! Xét về phương diện thương mại, điều này sẽ giúp sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn. Nhưng xét về mặt tiêu thụ, không ít người tiêu dùng sẽ hoài nghi về chất lượng sản phẩm. “Đặc sản thường có số lượng hạn chế nhưng điểm bán thì nhan nhản, rồi sản phẩm cũng chẳng có “dấu bảo hành” của ngành chức năng”, bà Trần Thị Hoài Hương, phường Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi) bày tỏ.
Dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng hệ thống phân phối mỏng đã khiến sản phẩm rau an toàn "khó sống". |
Đơn cử như mặt hàng rau sạch, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trên địa bàn tỉnh có không quá 6 cửa hàng bán rau sạch được cấp giấy xác nhận an toàn. Tuy nhiên, cái tên “rau an toàn” lại xuất hiện tràn lan ở các chợ. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt vì mua phải sản phẩm giá cao, chất lượng thấp; mà còn gây khó khăn cho nông dân cũng như những đơn vị sản xuất rau an toàn chân chính. “Tôi không biết sao ngoài chợ lại có rau an toàn. Bởi sản phẩm rau an toàn của tôi không đủ cung ứng cho đối tác thì có đâu mà ra chợ”, ông Huỳnh Văn Khanh, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cho hay.
Với tỏi Lý Sơn, người tiêu dùng cũng phản ánh tình trạng nhập nhằng, thật giả lẫn lộn. Bao bì thì để “Tỏi Lý Sơn” nhưng bên trong là tỏi được trồng ở nơi khác. Theo người tiêu dùng, tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” như thế này dễ làm cho thương hiệu tỏi Lý Sơn đánh mất chỗ đứng trên thị trường.
Xây dựng chuỗi cung ứng an toàn
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng không ngần ngại bỏ tiền để mua những sản phẩm chất lượng, an toàn – dù giá cao. Lợi dụng tâm lý này, nhiều cơ sở sản xuất, điểm bán hàng thường quảng cáo sản phẩm của mình là sạch, an toàn và đã được ngành chức năng chứng nhận. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều điểm bán hàng chỉ dùng "hàng chợ", để bán "hàng hiệu” và chưa từng được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn. Xảy ra tình trạng này, người tiêu dùng cho rằng do các ngành chức năng buông lỏng khâu quản lý, giám sát cũng như chưa quyết liệt trong việc xử phạt khi phát hiện các đơn vị vi phạm.
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, ông Võ Văn Kỹ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, đơn vị thường xuyên lấy mẫu các sản phẩm nông sản và kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, vì lực lượng mỏng, kinh phí hạn chế nên số nông sản được kiểm tra chất lượng không nhiều. Việc kiểm tra chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như rau, cá, thịt, thức ăn chế biến sẵn... Đối với vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Kỹ đề xuất: “Việc kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm do nhiều sở, ngành đảm nhận nên muốn chấn chỉnh, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Sở Công thương, Sở Y tế, Sở NN&PTNT và ngành Công an”.
Tuy nhiên, giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản bền vững chính là xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn. Hơn nữa, dù nông dân đã tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn VietGap nhưng với hệ thống phân phối manh mún; lại thiếu sự giám sát, quản lý đã khiến người tiêu dùng hoang mang, hoài nghi chất lượng của các sản phẩm này.
Trong khi đó, dù giải pháp thực hành chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn đã và đang được Bộ NN&PTNT khuyến cáo, nhưng theo ông Võ Văn Kỹ, nếu các “khiếm khuyết” của việc thanh kiểm tra, thói quen sản xuất, tâm lý tiêu dùng không chuyển biến thì nông dân và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn phải tiếp tục... đợi!
Bài, ảnh: MỸ HOA