(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ giá mía ổn định mà năm nay người dân ở vùng nguyên liệu mía của huyện Ba Tơ có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để có thu nhập cao và giữ vững vùng nguyên liệu thì người trồng mía cần đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng và chất lượng mía.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, người trồng mía ở huyện Ba Tơ đang khẩn trương thu hoạch mía. Ông Phạm Văn Dít, thôn Làng Măng, xã Ba Dinh cho biết: “Trồng mía đã hơn 10 năm, thua lỗ hay lời lãi tôi đều nếm trải, nhưng năm nay nhờ giá mía ổn định nên thu nhập khá”. Còn bà Đinh Thị Hạnh, thôn Gò Năng, xã Ba Vì cũng giàu lên nhờ mía. Bởi ngay từ đầu, gia đình bà đã xác định: “Trồng mía lâu dài phải có đầu tư, chăm bón thật kỹ lưỡng để cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy giá mía mỗi năm mỗi khác, nhưng không phải vậy mà mình phá rồi chuyển sang trồng cây khác. Với những vùng đất cằn cỗi, bạc màu thì phải thay đổi cây trồng, cải tạo lại đất rồi năm sau lại trồng mía. Chính nhờ chăm sóc kỹ, đầu tư “mạnh” nên gia đình tôi có thu nhập ổn định từ việc trồng mía”, bà Hạnh chia sẻ. Cũng theo bà Hạnh, hằng năm, hơn 10ha mía của gia đình cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng. Nhờ đó mà giờ đây gia đình bà đã có một cơ ngơi vững chãi.
Giá mía năm nay ổn định nên người dân phấn khởi trong mùa thu hoạch mới. |
Anh Phạm Văn Chót, cùng thôn với bà Hạnh cũng nhờ cây mía mà kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều. Cứ đến mùa thu hoạch mía là vợ chồng anh có thêm trên dưới 30 triệu đồng. “Nhờ mía mà cái đói, cái khổ của gia đình tôi không còn nữa. So với những cây trồng khác, mía tuy tốn công chăm bón nhưng năm nào cũng cho thu nhập. Còn trồng keo thì ít nhất cũng 4 đến 6 năm mới có thể thu hoạch được mà giá cả cũng chừng đó thôi”, anh Chót cho hay.
Toàn huyện Ba Tơ hiện có 784ha mía. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, chăm sóc, người dân chưa áp dụng đúng kỹ thuật, thời gian lưu gốc quá lâu nên dẫn đến tình trạng mía “già hóa”, năng suất thấp. Do đó nhiều hộ đã phá bỏ cây mía để trồng các loại cây khác.
Ông Phan Quang Đức – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ cho biết: "Theo yêu cầu kỹ thuật thì cứ hai năm, bà con phải phá gốc mía để trồng mới. Trồng mía phải chú trọng đầu tư từ khâu cày bừa, bón phân, làm cỏ đến việc thu hoạch thì mới có hiệu quả cao. Năm vừa qua, diện tích mía bị phá bỏ không đáng kể so với những năm trước, nên tổng diện tích mía của huyện vẫn đảm bảo".
Để giữ vững và phát huy thế mạnh vùng mía nguyên liệu thì cần xóa bỏ việc trồng mía theo kiểu “bỏ vãi”. Có như vậy mới mong mía cho năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Văn Ôn – Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết: "Hiện nay, toàn xã có hơn 337ha mía. Nếu bà con đẩy mạnh đầu tư, chăm sóc thì sẽ tăng năng suất. Chính quyền địa phương đã kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Nhà máy Đường Phổ Phong tập huấn, hướng dẫn cho bà con cách trồng theo đúng khoa học – kỹ thuật. Hy vọng những năm sau, chất lượng mía ở đây sẽ có nhiều thay đổi".
Bài, ảnh: MẠNH KHOA