(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 28.2.2016, theo quy định của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi thì mọi hoạt động liên quan đến đóng mới, cải hoán đối với tàu cá làm nghề lưới kéo (còn gọi là nghề giã cào) sẽ tạm dừng. Trước thời điểm trên, nhiều ngư dân trong tỉnh đã ồ ạt xin phép đóng tàu hành nghề giã cào. Vấn đề này đang đặt ra cho cơ quan chức năng của tỉnh về công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đóng tàu kiểu... chạy chính sách
Không khó để có thể nhận ra sự đối phó khi về các cơ sở đóng tàu trong tỉnh vào thời điểm này. Những cây "xỏ" - cột gỗ lớn trên phủ một tấm vải màu đỏ, được coi như "xương sống" của tàu giã cào dựng lên san sát nhau. "Không làm thế thì coi như giấy phép xin đóng mới tàu giã cào phải bỏ đi. Các cơ sở đóng tàu họ bảo cả năm nữa chắc gì đã đóng xong những chiếc đang dang dở"-ngư dân Nguyễn Ngọc Thanh, thôn Cổ Lũy Bắc, xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) cho biết.
Dựng xỏ cho tàu giã cào rồi để đó. |
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, trong 3 tháng cuối năm 2015, Chi cục đã cấp 180 giấy phép đóng tàu giã cào cho ngư dân, công suất từ 500 CV đến 1.000 CV. Con số này tăng gấp nhiều lần những tháng trước. Hiện tại, không kể số được cấp phép mới này, toàn tỉnh có hơn 1.600 tàu giã cào, chiếm khoảng 1/3 tổng số tàu cá của toàn tỉnh. |
Những ngày đầu năm, tại các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá đánh bắt xa bờ ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi), Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Quang, Phổ Thạnh (Đức Phổ)... triền đà nào cũng chật ních. Các cơ sở đóng tàu này ngay từ ngày 16 tháng Giêng - được xem là "ngày mở xưởng" đã huy động tất cả thợ vào ca. Ông Võ Văn Nguyên - HTX dịch vụ và đánh bắt hải sản xa bờ Cổ Lũy ở xã Nghĩa Phú, cho biết: "Toàn bộ tàu trên triền đà là tàu giã cào chuẩn bị đóng mới. Năm 2015, cơ sở chúng tôi đóng mới 51 chiếc. Hiện trong triền đà có hơn 40 chiếc đang đóng dở dang. Việc nhiều gấp mấy lần trước đây vì Nhà nước ban hành chính sách tạm dừng không cho phép đóng tàu giã cào nữa". Tại đây, còn hàng chục chiếc tàu giã cào mới chỉ dựng "xỏ" mà theo ông Nguyên có thể giữa năm mới triển khai đóng được.
Tại triền đà của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu cá Nghĩa An, những cột "xỏ", gỗ nằm la liệt. Ông Phạm Hạnh - Ban quản trị HTX này cho biết: "Đóng mới gia tăng ồ ạt, cùng một lúc như thế này HTX không kham nổi. Dựng "xỏ" để đó, lúc nào bố trí được nhân lực thì mới đóng".
Nhiều vấn đề đặt ra
Hầu hết, ngư dân Nghĩa An, Nghĩa Phú đều đồng tình với việc hạn chế nghề đánh bắt giã cào, dù đây là nghề truyền thống của họ. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng, việc đột ngột tạm dừng cấp phép, cải hoán, đóng mới tàu giã cào dẫn đến khó khăn cho ngư dân. "Mọi năm tôi đi biển từ tháng Giêng đến mãi tháng Chạp mới vào bờ. Năm ngoái nửa năm phải về mấy đợt để lo xin cái giấy phép đóng thêm đôi tàu nữa chứ không thì không còn cơ hội. Nhưng thú thực, mình có quen biết giấy tờ thủ tục đâu và cũng chẳng có thời gian đi lại, đành nhờ những người làm dịch vụ này họ làm dùm" - ông Nguyễn Hùng, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An cho biết.
Cũng theo ông Hùng, việc xin đóng mới đôi tàu công suất 900 CV là để thay thế đôi tàu 400 CV mà ông đang dùng đi khơi. "Đôi tàu cũ tôi sẽ bán để lấy tiền bù thêm vào đóng tàu mới. Tàu cũ ở thời điểm này bán được giá, vì từ 28.2 không được đóng tàu mới nữa rồi", ông Hùng nói. Đây là thực tế tại vùng biển Nghĩa An, Nghĩa Phú. Và việc mua bán tàu cũ đang diễn ra khá sôi động và giá bán "đội" lên nhiều lần sau thời điểm "khóa phép".
Bài, ảnh: THANH NHỊ