(Báo Quảng Ngãi)- Mưa ít nắng nhiều khiến lượng nước tích tại các hồ chứa thấp. Cây trồng, vật nuôi vì thế cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngay từ cuối vụ đông xuân. Tuy nhiên, ở các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và kênh nhánh, việc sử dụng nước tưới tiêu hiện giờ lại rất lãng phí…
Nơi thừa, chỗ thiếu
Với những địa phương nằm ở đầu kênh chính Thạch Nham hay gần các hồ chứa, người dân ít khi quan tâm đến chuyện cây trồng, vật nuôi thiếu nước. Bởi, khi mở nước Thạch Nham và hồ chứa, những điểm đầu như Phổ Phong, Phổ Nhơn (Đức Phổ), Hành Thịnh (Nghĩa Hành)... thường xảy ra tình trạng nước chảy… tự do! Thậm chí, có nơi nước trong kênh tràn ra đường, gây ngập. Trong khi đó, người dân ở các địa phương nằm xa kênh, hồ chứa thì phải đi sớm về khuya để chắt chiu nước tưới cho cây trồng, đơn cử như đợt mở nước chống rét cho cây lúa trong thời gian qua.
Việc điều tiết nước thiếu hợp lý khiến nhiều nông dân sản xuất ở xa kênh phải dùng máy bơm nước để đảm bảo tiến độ sản xuất. |
“Trời lạnh, không có nước trong ruộng là lúa không sống nổi. Nhưng vì kênh đất, lại ở xa nên lúc nào nước về đồng chúng tôi cũng chậm”, vừa mở bờ dẫn nước, ông Nguyễn Hùng, xã viên HTX Nông nghiệp La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vừa chia sẻ. Vì thế, ngay khi nước Thạch Nham được mở, ông Hùng luôn túc trực ngoài đồng để kịp dẫn nước vào ruộng dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ đội dẫn thủy.
Trái với mục tiêu “chống lạnh” cho cây lúa, người dân ở một số địa phương lại dẫn thật nhiều nước vào ruộng để... phòng chuột cắn phá! Khi đề cập đến chuyện diệt chuột, nhiều lão nông cho rằng, địa phương cũng nhiều lần tổ chức ra quân diệt chuột, rồi bã sinh học đặt dày bờ ruộng nhưng rồi chuột vẫn cắn nát lúa!
Theo ông Nguyễn Lập - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, vì thời tiết lạnh kéo dài nên đơn vị phải mở nước Thạch Nham để chống rét cho cây lúa. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu nước phần do nhiều địa phương lơ là việc nạo vét kênh mương ngay từ đầu vụ; phần vì không có đội dẫn thủy nên mạnh ai nấy dẫn nước, khiến nước chảy tự do. “Điều này không chỉ gây lãng phí nước tưới, mà còn “làm khó” người dân có đất canh tác ở xa kênh. Vì để đảm bảo kịp lịch gieo sạ hoặc chống lạnh cho cây lúa, họ phải dùng máy bơm dẫn nước, rất tốn kém”, ông Lập cho hay.
Thiếu đội dẫn thủy
Qua báo cáo của các trạm quản lý thủy nông, phần lớn các địa phương đều “trống” đội dẫn thủy. Theo ông Hồ Văn Xuân-Trưởng trạm Quản lý thủy nông số 2 thì hầu như các HTX NN trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đều không có đội dẫn thủy. Hoặc nếu có thì cũng hoạt động rời rạc, cầm chừng nên hiệu quả mang lại không cao. Nguyên nhân là do các HTX không đủ kinh phí để thành lập đội dẫn thủy cũng như hợp đồng người quản lý, phụ trách.
Tương tự, tại huyện Tư Nghĩa, tình trạng “thu không đủ chi” cũng khiến HTX NN không mặn mà với đội dẫn thủy. Khi đề cập đến nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, lãnh đạo nhiều HTX cho rằng, kinh phí này chỉ để tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương cấp 1, cấp 2, còn các tuyến kênh nhánh thì phải “nhờ” vào nguồn thu từ người dân, với mức 12.000 đồng/sào/vụ. Dù vậy, phần lớn các HTX đều không thực hiện được việc này.
Kinh nghiệm từ HTXNN La Hà
|
Bài, ảnh: MỸ HOA