Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

09:03, 27/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vai trò của ngành nông nghiệp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong thư gửi điền chủ vào ngày 11.4.1946: “Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Xứng danh “bà đỡ”

Sau năm 1975, cùng với cả nước, Quảng Ngãi bắt tay vào việc khôi phục và tái thiết sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với việc cải tiến trồng trọt, tái đàn chăn nuôi thì công trình đại thủy nông Thạch Nham ra đời vào những năm đầu thập niên 90 đã đánh dấu bước ngoặt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Quảng Ngãi. Có nước, đồng mía xanh tươi, lúa tốt bời bời. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng hàng loạt chính sách khuyến khích dồn điền đổi thửa, đóng tàu công suất lớn... ra đời kịp thời, thực thi hiệu quả đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản lên gấp 30 lần so với hàng chục năm về trước.

Đại công trình thủy lợi Thạch Nham đã tạo cú huých cho ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển mạnh.                                                                                                                                                Ảnh: Tấn Phát
Đại công trình thủy lợi Thạch Nham đã tạo cú huých cho ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển mạnh. Ảnh: Tấn Phát


“Bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Ngãi “sáng” như hiện nay, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp. Đặc biệt là những năm đầu sau giải phóng, nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc kiến thiết xã hội; củng cố niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước. Không quá khi nói rằng, nông nghiệp là “bà đỡ” của nền kinh tế”, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận.
 

So với năm 1975, sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước đạt trên 486.000 tấn (tăng 4 lần); đàn gia súc gia cầm trên 5,2  triệu con (tăng 4 lần). Diện tích đất có rừng hiện trên 294.000ha; độ che phủ rừng đạt 50,6% (tăng 24%); trên 700 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới cho 76.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực khai thác thủy sản có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn tỉnh hiện có trên 5.500 chiếc tàu thuyền với tổng công suất hơn 1 triệu CV, sản lượng khai thác ước gần 165.000 tấn (tăng 9 lần). Hiện toàn tỉnh có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Vững tin bước vào vận hội mới

Hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “đẩy lùi cái đói”, hiện nay ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố để vững tin bước vào vận hội mới của sự phát triển và hội nhập. Trong đó, cú huých mạnh nhất là Chương trình xây dựng NTM và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Theo ông Dương Văn Tô, nếu như chương trình NTM giúp “thành thị hóa nông thôn”, thì Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hứa hẹn sẽ “công nghiệp hóa nông thôn”, nhằm giảm sức lao động, chi phí nhưng tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp phải giải quyết không ít rào cản, thách thức. Đó là diện tích sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; giá trị sản xuất tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; thiếu sản phẩm “made in Quảng Ngãi” mang tính hàng hóa. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn eo hẹp, việc sản xuất phụ thuộc quá lớn vào thời tiết, tính rủi ro cao...

Tháo gỡ khó khăn này, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả; nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn thông qua Chương trình xây dựng NTM; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng: "Muốn tạo đột phá, ngành nông nghiệp tỉnh phải xác định cho được cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như nhu cầu thị trường. Hiện nay, chất lượng cuộc sống đang dần nâng cao nên người tiêu dùng chú trọng đến sản phẩm dù ít nhưng ngon, an toàn. Do đó, tư duy canh tác cũng phải thay đổi, chứ không sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ như trước được”.
 

MỸ HOA


 


.