(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, song việc làm ăn của ngư dân đánh bắt gần bờ vẫn đạt hiệu quả từ việc khai thác tôm hùm nhí và ruốc biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mỗi đêm thu tiền triệu nhờ bắt tôm hùm nhí
Phiên chợ tôm nhí tại bến cá Bình Châu (Bình Sơn) sôi động từ 5 giờ sáng. Người bán là những ngư dân từ biển về. Người mua là những ông chủ hồ tôm trong và ngoài tỉnh. Chợ tôm nhí không có lời mặc cả. Giá đã định sẵn sau những cuộc điện thoại giữa người mua và người bán từ đêm qua. Việc khai thác tôm hùm nhí làm nguồn giống nuôi trồng đã góp phần làm giàu cho ngư dân và người nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, ngành thủy sản khuyến cáo, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bà con ngư dân chỉ nên khai thác tôm hùm nhí đúng kích cỡ, không nên khai thác tôm còn quá bé.
Ruốc sấy khô xuất khẩu của cơ sở chế biến hải sản Bình Châu chuẩn bị xuất xưởng. |
Giá tôm nhí liên tục giữ ổn định từ 300 nghìn đến 320 nghìn đồng/con, đã đem về cho ngư dân nguồn thu nhập cao trong một đêm đi biển. Ngư dân Bùi Minh Tú, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết: "Đêm nhiều thì được cả trăm con, thu 30 - 40 triệu đồng. Nếu ít thì cũng vài ba chục con. Nói chung là tôm nhí năm nay được mùa hơn mấy năm trước".
Khai thác tôm hùm nhí là nghề truyền thống của ngư dân xã Bình Châu. Mùa tôm hùm nhí chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng - từ giữa tháng Chạp, xuyên qua Tết Nguyên đán đến khoảng cuối tháng Giêng thì kết thúc. Vì thế, ngư dân tranh thủ đánh bắt tôm nhí cả những ngày Tết. Chợ tôm nhí vì thế cũng đông cả những ngày Tết.
Trúng mùa ruốc
Ở thời điểm này năm ngoái, ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm mực biển. Mỗi đêm ra khơi, nhiều tàu đánh bắt được hàng tấn mực. "Mùa biển đầu năm mới Bính Thân này không có lấy một con mực, mà toàn ruốc là ruốc" - ngư dân Nguyễn Văn Hùng, thôn Gành Cả, xã Bình Châu cho biết. Khác với tôm hùm nhí, nghề khai thác ruốc ra khơi muộn hơn và kết thúc vào khoảng 10 giờ sáng mỗi ngày. Ruốc khai thác lên, chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ruốc khô trong và ngoài tỉnh. Giá bán dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Khi chợ tôm hùm nhí tan là các xe tải từ Đà Nẵng, Quảng Nam kéo về chờ mua ruốc. Một số cơ sở chế biến hải sản ở Bình Châu thì dùng tàu cá ra biển mua ruốc vừa được vớt dưới biển lên. Tàu đánh lưới không phải vào bờ bán ruốc mà ở lại trên biển để tiếp tục khai thác ruốc. "Mùa ruốc cũng thất thường. Có khi chỉ vài tuần là hết nên phải tranh thủ. Mình làm nghề biển, biển cho lộc thì ráng chịu khó làm ăn, kiếm thu nhập. Mấy hôm sau Tết thì trúng tôm nhí, cuối mùa tôm nhí là trúng ruốc. Ra khơi đầu năm thế là vui lắm rồi!" - ngư dân Võ Văn Khánh, thôn Châu Thuận Biển cho biết.
Ruốc được mùa, các cơ sở chế biến ruốc khô cũng mở cửa hoạt động hết công suất. Ông Võ Văn Pháp - Chủ cơ sở chế biến hải sản Bình Châu cho biết: "Cứ 4kg ruốc tươi sau khi sấy cho 1kg ruốc khô. Giá bán ruốc khô tại cơ sở là 70.000 đồng/kg. Vì được chế biến ngay sau khi vớt lên từ biển trong điều kiện lò sấy đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên ruốc sấy khô được các bạn hàng rất ưa chuộng". Bà Bùi Thị Hằng ở thành phố Pleiku (Gia Lai), là bạn hàng truyền thống của cơ sở chế biến hải sản Bình Châu cho rằng: "Ruốc khô ở đây được chúng tôi gọi là "ruốc sạch" thơm, ngon và ngọt. Người dân Tây Nguyên rất ưa chuộng, nên mua về bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Bà Hằng cho biết thêm, ruốc khô đưa về đến Gia Lai giá có thể lên đến 100 nghìn đến 110 nghìn đồng/kg mà không đủ bán.
Trúng mùa ruốc đầu năm, ngư dân Bình Châu có thu nhập để chuẩn bị mua sắm những thứ cần thiết cho những chuyến đi khơi xa hơn, dài ngày hơn. Trước mắt là những chuyến đi khơi đánh bắt cá nục. Ngư dân trong tỉnh đang hy vọng vào mùa cá nục, để phục vụ nguyên liệu chế biến nước mắm, vừa tăng thu nhập.
Bài, ảnh: THANH NHỊ