(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, cuộc sống của người dân tái định cư ở công trình thủy điện Đăkdrinh huyện Sơn Tây đã có nhiều đổi thay, một phần là nhờ sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở, đường giao thông... Song, để người dân vùng TĐC này từng bước ổn định và phát triển cuộc sống thì vẫn đang là “bài toán” khó. Người dân đang đứng trước nguy cơ tái nghèo do thiếu sinh kế để sản xuất. Hy vọng cuộc sống no đủ ở nơi TĐC hãy còn xa…
Chóng giàu- mau nghèo
Dự án thủy điện Đăkđrinh khởi công tháng 1.2011, có công suất 125MW, xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, với tổng vốn đầu tư 6.122 tỷ đồng. Nhà máy chính đặt tại huyện Sơn Tây. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, định canh là 1.644 tỷ đồng. Tổng diện tích đất của tỉnh Quảng Ngãi bị thu hồi hơn 848ha, với 181 hộ/744 nhân khẩu thuộc các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung, huyện Sơn Tây. Nằm trong khu vực diện tích đất bị thu hồi, hàng trăm hộ dân ở đây được đền bù giải tỏa và hỗ trợ tái định cư. Từ nghèo khổ bỗng chốc họ thành triệu phú, thậm chí có nhà là tỷ phú.
Cuộc sống vùng cao vốn dĩ khó khăn, lần đầu tiên cầm trong tay một khoản tiền lớn được đền bù về nhà cửa, đất đai, hầu hết bà con người Ca Dong ở xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung không nghĩ được câu trả lời cho bài toán làm gì để đồng tiền sinh lợi?
Choáng ngợp với khoản tiền tưởng như từ trên trời rơi xuống đó họ cuống cuồng chi tiêu hoang phí. Chuyện triệu phú, tỷ phú đền bù mua một lúc có 2-3 chiếc xe máy là thường. Cùng với đó , những bữa tiệc lê la bia rượu, tiếng đàn hát rộn vang núi rừng giờ. Nhiều người dân đã lao vào thụ hưởng mà bỏ quên lao động.
Thế nhưng đấy là chuyện của những năm về trước, còn bây giờ chúng tôi trở lại các TĐC thủy điện Đăkđrinh ở xã Sơn Long, Sơn Liên hình ảnh những bữa tiệc lê la bia rượu đã không còn, mà thay vào đó là cảnh vắng lặng, cái nghèo lại quay về với những "đại gia" một thời. Bởi, số tiền ấy, hiện nay nhiều gia đình đã tiêu hết. Cuộc sống gia đình trở lại cảnh bữa đói bữa no.
|
Những căn "biệt thự" của người dân TĐC An Nhoi 2 |
Từng được ví là "đại gia" ở khu TĐC Anh Nhoi 2, thế nhưng giờ đây Đinh Sa Thanh trở về với thực tại cuộc sống nghèo khó. Hết tiền, giờ Thanh làm thuê để chạy ăn từng bữa. "Gia đình mình nhận được đền bù gần 3 tỷ đồng, nhưng bây giờ hết rồi, mình phải làm thuê để mua gạo về ăn"- chỉ về phía người vợ đang ngồi sàng gạo bên hiên nhà, Đinh Sa Thanh nói.
Còn với ông Đinh Văn Điều ở xã Sơn Long, nhận được số đền bù gần 3 tỷ đồng, những tưởng, gia đình ông sẽ có cuộc sống khá giả lâu dài. Thế nhưng, cũng chỉ vài năm sau, số tiền ấy cũng hết. Nhiều người cho biết, có số tiền lớn trong tay, mặc dù đã có nhà ở khu TĐC thế nhưng, nghe theo lời con trai là Đinh Văn Thiên, ông "chơi sang", không thích ở trong khu TĐC mà đem tiền ra xã Sơn Mùa mua đất và làm nhà hết 2 tỷ đồng, số lại tiền còn lại cậu con trai "quý tử" của ông "ném" vào những cuộc ăn nhậu và mua ô tô. Song giờ đây, ô tô thì đã bán, tiền cũng chẳng còn, gia đình ông phải quay trở về nơi ở cũ để sản xuất. Căn nhà ở trung tâm huyện Sơn Tây cũng đóng cửa im ỉm.
Không riêng gì hai trường hợp kể trên, mà còn có rất nhiều trường hợp khác ở vùng đại ngàn này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Miệng ăn, núi lở", vì không biết chi tiêu hợp lý, đắm chìm tận hưởng sung sướng trước mắt thế cho nên, dù nhận đền bù hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, song nhiều hộ dân vùng dự án thủy điện Đăkđrinh đang phải đối mặt đói nghèo... Thực trạng buồn này khiến chính quyền địa phương đau đầu, lo lắng.
Ông Đỗ Thanh Vượt- Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền thuyết phục bà con khi nhận tiền phải chi tiêu hơp lý như đổi đất để sản xuất hoặc gửi tiền vào ngân hàng để lấy vốn làm ăn, nuôi con học hành... Tuy nhiên, mình nói cũng không ăn thua đa số người dân nhận tiền mặt về mua sắm, ăn nhậu, tiêu xài... chẳng nghĩ đến sau này sẽ ra sao. Giờ hầu như rất ít người còn giữ được tiền đền bù và bây giờ họ lại nghèo.
Nhà đẹp, đường to nhưng... vẫn lo đói
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về khu TĐC Anh Nhoi 2 xã Sơn Long, thoạt nhìn, những căn nhà kiểu biệt thự nằm san sát nhau, hệ thống đường bê tông rộng, ai cũng nghĩ cuộc sống ở nơi ở mới này hẳn khấm khá lắm. Thế nhưng, đi sâu vào cuộc sống người dân mới thấm thía hết cảnh “sống mòn” của họ. Bên trong cái vẻ trù phú, hào hoa của những khối bê tông cốt thép ấy là một cuộc sống nghèo khó của hàng chục hộ dân TĐC nơi đây.
Dọc cả khu TĐC vài chục căn "biệt thự" thế nhưng theo quan sát của chúng tôi chỉ có vài nhà mở cửa, còn lại hầu như đóng cửa im ỉm. Hỏi mọi người trong khu TĐC đi đâu hết rồi, anh Đinh Văn Dũng- một hộ dân sống trong khu TĐC bảo, họ về nơi cũ làm rẫy hết rồi, chứ ở đây có đất đâu mà làm.
"Ở khu TĐC sướng hơn nơi ở cũ không?"- chúng tôi hỏi. Anh Đinh Văn Dũng nói: Về đây, được ở trong nhà kiên cố, khang trang, con cái được học hành, đau ốm được khám bệnh, người dân được dùng điện lưới quốc gia… bà con chúng tôi ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế khi đất sản xuất rất hạn hẹp. Sản xuất mà thiếu đất khác gì nấu cơm không có gạo. Trong khi đó, ở đây cái gì cũng phải mua, mà lại không làm ra tiền nên cuộc sống bà con chúng tôi rất khó khăn.
|
Diện tích đất cải tạo để làm ruộng lúa nước bị bỏ hoang vì không trồng lúa được |
Rời khu vực lòng hồ về khu TĐC Anh Nhoi 2 đã 3 năm nay, song, cuộc sống bà con chẳng mấy đổi thay, cái nghèo vẫn bám riết lấy họ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, vì ở nơi ở mới không có đất sản xuất nên hầu hết 33 hộ dân ở khu TĐC Anh Nhoi 2 phải quay trở lại nơi ở cũ cách khu TĐC khoảng 4-5 km. “Để có đất sản xuất nương rẫy, bà con mình đi xa lắm. Vì đường xấu, không đi xe máy nên bà con mình chỉ đi bộ. Đường xa, nên bà con mình vào rẫy làm chòi ở luôn, có khi cả tháng mới về nhà một lần"- bà Đinh Thị Hay cho biết.
Ngồi trước mái hiên nhà, hướng mắt nhìn hướng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, ông Đinh Sa Thanh buồn bã cho biết: TĐC thì người dân phải có cuộc sống sung túc, khá giả hơn nhưng đằng này lại phải lo miếng cơm manh áo từng ngày. Ngày trước ở nơi ở cũ, nhà còn có ruộng lúa nước để sản xuất có lúa để nên cũng đỡ. Còn ở TĐC ruộng lúa nước thì không có, keo thì mới trồng chưa thu hoạch được, tiền đền bù xài cũng hết, bà con chúng tôi chả biết làm gì để sống.
Điều khá nghịch lý, trong khi các hộ dân thiếu đất sản xuất, thì diện tích khoảng 6ha ruộng được huyện Sơn Tây cải tạo với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng để cấp cho người dân sản ruộng lúa nước lại đang trong tình trạng bỏ hoang. Bởi theo người dân và chính quyền xã Sơn Long, mặc dù đây là diện tích cấp cho các hộ dân vùng TĐC sản xuất ruộng lúa nước nhưng cây lúa trồng xuống không sống được. Hiện tại, cả cánh đồng chỉ có vài ba đám ruộng được bà con gieo sạ lúa, nhưng nhiều đám đất khô nứt nẻ và nhiều diện tích lúa đã chết khô vì thiếu nước.
Ông Đỗ Thanh Vượt- Chủ tịch UBND xã Sơn Long mong muốn: Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp, chứ hiện tại vừa khai hoang xong cấy lúa liền là rất khó, phải vài ba năm, đất có màu ổn định mới trồng lúa được.
Không chỉ đối mặt với đói nghèo, người dân khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên còn đang khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù tại khu TĐC đã được đơn vị đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt. Thế nhưng công trình kém chất lượng, vừa đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn đã hư hỏng, không có nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Các gia đình phải bỏ tiền mua ống dẫn nước về dùng.
|
Lúa không phát triển được vì thiếu nước, đất nứt nẻ. |
Nguy cơ tái nghèo cao
Điều đáng nói, theo cam kết ban đầu, ngoài việc đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ 30kg gạo/người/tháng trong thời gian 4 năm nếu thu hồi 100% diện tích đất, 3 năm nếu thu hồi 70% diện tích đất và 2 năm nếu thu hồi 30- 70% diện tích tích đất. Thời gian hỗ trợ, bắt đầu kể từ ngày về TĐC. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân TĐC và chính quyền địa phương xã Sơn Long, hiện tại, người dân chỉ mới hỗ trợ gạo được 1 năm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thừa nhận: Việc chậm cấp phát gạo hỗ trợ sẽ gây khó khăn nhiều cho người dân. Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn về việc xác định nguồn gốc đất bởi nhiều diện tích của người dân không có sổ đỏ, hoặc bán cho nhiều người nên chính quyền đang lúng túng trong việc tính phần trăm diện tích thu hồi của người dân. Hiện tại, huyện cũng đang có hướng tính toán để lập phương án hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ những hộ gia đình biết làm ăn và sử dụng số tiền đền bù có hiệu quả trong phát triển sản xuất có cuộc sống ổn định, thì còn lại đa phần người dân ở khu TĐC Nước Vương, Anh Nhoi 2 do không sử dụng đúng mục đích nên tiền đền bù cũng đã vơi dần, thậm chứ nhiều hộ đã không còn tiền.
Tiền hết, không có ruộng lúa nước, đất sản xuất còn hạn chế, gạo hỗ trợ chưa cấp kịp thời, không có công ăn việc làm, thậm chí một số hộ dân còn bán luôn diện tích đất rừng được cấp... thì vấn đề thiếu đói và nguy cơ tái nghèo đã và đang hiện hữu trước mắt. Chỉ tính riêng tại hai khu TĐC Anh Nhoi 2 và Nước Vương, theo khảo sát, trong 33 hộ dân tại khu TĐC Anh Nhoi 2 hiện đã có 29 hộ nghèo và khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên có 25 hộ thì cũng đã có 11 hộ nghèo.
Ông Trần Đông Phong- Chủ tịch UBND xã Sơn Liên bày tỏ: Với nhận thức thức còn hạn chế, trình độ áp dụng KHKT vào sản xuất còn nhiều bất cập, chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đang rất lo lắng nguy cơ tái nghèo của người dân vùng TĐC. Để người dân ổn định cuộc sống, địa phương rất mong Đảng và Nhà nước đầu tư thêm các nguồn vốn, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho người dân về nghề chăn nuôi cũng như nghề trồng trọt....
PV