Bình Sơn: Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng chống hạn

09:03, 26/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nông dân huyện Bình Sơn đã mạnh dạn, chủ động chuyển đổi các vùng đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả  sang trồng hoa màu. Vì thế,  tình hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Bình Sơn vẫn tương tối ổn định, đảm bảo năng suất...
 
 
Hoa màu “ăn đứt” lúa
 
Cánh đồng Bàu Đưng (thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương) trước đây là vùng chuyên canh lúa nước. Tuy nhiên, thời gian qua do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguồn nước không đảm bảo nên nhiều hộ nông dân ở địa phương đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại hoa màu có hiệu quả hơn. Cùng với đó, người dân chủ động sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn.
 
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kỉnh, 61 tuổi là một điển hình. Gia đình bà có 5 sào ruộng. Trước đây bà sử dụng hết diện tích này để trồng lúa. Từ vụ hè thu 2014 đến nay, lượng nước kênh điều tiết thấp, việc bơm nước cũng khó khăn nên bà quyết định chuyển đổi 4 sào lúa sang trồng các loại cây trồng khác như ớt, đậu, mì. Bà để lại một sào trồng lúa ăn nước trời, may mắn thì không phải mua gạo.
 
Chuyển đổi cây trồng 1
Bà Kỉnh chăm sóc hoa màu. 
 
Bà Kỉnh cho hay: “Kênh thạch nham chảy qua thôn Ngọc Trì nước yếu nên ở đây ai họ cũng chuyển sang trồng hoa màu hết chứ nếu trồng lúa chắc chắn đói. Trồng hoa màu khá lắm! Một sào rưỡi ớt tôi đang trồng, giá 20.000đồng/kg thì tôi cũng kiếm được cũng mấy chục triệu đấy, cao hơn lúa gấp nhiều lần”.
 
Vụ này, hàng xóm của bà Kỉnh, nông dân Võ Kiến Trúc cũng đang mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu. Anh Trúc cho biết, do thiếu nước tưới nên 4 sào đất của gia đình đã chuyển sang trồng bắp, đậu và cỏ để nuôi bò. Thời gian gần đây, ớt được giá hơn nên tập trung trồng ớt nhiều hơn. Đồng thời, anh lắp đặt thêm hệ thống nước tưới kéo từ giếng gần nhà ra ruộng. Nhờ biết ổn định được nước tưới nên diện tích hoa màu của anh Trúc phát triển tốt, cho năng suất cao.
 
“Trồng ớt thì mình thu tới vụ hè thu luôn. Đến tháng 6, khi ớt tàn thì mình chuyển qua trồng cây hoa màu khác. Từ khi chuyển đổi, tôi thấy cây ớt có vẻ hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Có điều hơi vất vả công chăm bón. Mình phải tận dụng nguồn điện, rồi âm ống từ nhà qua đường để bơm nước cho cây trồng”, anh Trúc chia sẻ.
 
Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi
 
Ngoài hai hộ dân trên, hàng trăm hộ dân ở Bình Chương đã ý thức được việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới để chống hạn, bằng hình thức chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn như hoa màu, mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Ông Huỳnh Đức Oanh, Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho rằng, việc chủ động chuyển đổi cây trồng tuy chỉ là giải pháp tình thế nhưng nhờ chăm bón tốt, hầu hết diện tích hoa màu của người dân đã mang lại hiệu quả kinh tế tương đối hơn so với trồng lúa. 
 
Sự biến đổi khí hậu hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vì thế, việc chuyển đổi sang trồng cây ớt, đậu, ngô và các loại rau màu khác là điều cần thiết. Riêng ở xã Bình Chương, với hiệu quả từ 8ha trong vụ đông xuân, vụ hè thu tới, địa phương sẽ tăng diện tích chuyển đổi lên gấp đôi, khoảng 16 ha. 
 
Vụ hè thu việc thiếu nước sẽ nghiêm trọng hơn vụ đông xuân, địa phương hiện nay đã lên kế hoạch vận động nông dân đóng giếng, nạo vét ao tại các vùng khô hạn để cấp nước cho các cánh đồng. Xã cũng đã kiến nghị lên huyện hỗ trợ kinh phí để nạo vét lòng hồ, đập trên địa bàn xã.
 
Chuyển đổi cây trồng 2
Việc hỗ trợ kinh phí sẽ giúp nông dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu có năng suất hơn. 
 
Năm 2016, theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, diện tích dự kiến chuyển đổi cây trồng của toàn huyện năm nay là 770 ha. Trong đó, vụ đông xuân đã thực hiện được 257 ha. Còn lại, sẽ chuyển đổi trong vụ hè thu sắp tới. Hiện nay, huyện cũng đã phân bổ 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí cho nông dân chuyển đổi.
 
Ông Hồ Minh Sơn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Bình Sơn, cho biết: “Việc hỗ trợ kinh phí sẽ giúp nông dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu có năng suất hơn. Trên cơ sở đó, Phòng NN&PTNN huyện đã triển khai làm việc với các xã trên địa bàn để xác định lại diện tích và có phương án hỗ trợ về giống, làm đất, thủy lợi trên các vùng chuyển đổi”.
 
Trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, việc bà con nông dân chủ động chọn những giống cây trồng phù hợp để đảm bảo năng suất, tăng hiệu quả kinh tế là cần thiết. Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây màu thời gian qua đã giúp nông dân  tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và giải quyết được bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất. 
 
Bài, ảnh: Gia Nghi
 

.