(Báo Quảng Ngãi)- Lúa tốt, rau xanh, cá mực đầy khoang. Thực hiện mong ước ấy, ngay từ những ngày đầu xuân Bính Thân, nông, ngư dân khắp nơi trong tỉnh đã nô nức ra đồng, xuống biển mong “hái” được lộc…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ra biển...
Giữa lúc người người còn nhộn nhịp vui Tết, trẩy hội du xuân thì ngư dân lại chuẩn bị ngư lưới cụ để rẽ sóng vươn khơi. “Tranh thủ trời êm mình ra khơi kiếm ít “lộc” biển, lấy may cho cả năm”, vừa hối thúc anh em đi bạn chuyển đá lên tàu, ngư dân Phạm Bình, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vừa lý giải cho sự khẩn trương của mình. Chẳng thế mà mới mùng 3 Tết, tàu của anh Bình đã nạp đầy dầu, đá, lương thực và bánh mứt Tết để sẵn sàng sáng mùng 6 Tết thẳng tiến ra các vùng biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Tàu cá xuất hành đầu năm tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh. |
Còn chủ tàu Nguyễn Hữu Quý, thôn Phú Quý, xã Bình Châu cũng tất tả chuyển đá, nạp dầu cho tàu để sáng mùng 8 Tết, anh và 10 lao động đi bạn sẽ ra các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Theo anh Quý, dù phiên biển cuối năm vừa rồi ai cũng rủng rỉnh tiền tiêu Tết nhưng phần vì trời êm, phần giá bán cá tháng Giêng luôn ở mức cao nên anh em đi bạn hối thúc ra khơi.
Không chỉ anh Bình, anh Quý, ngư dân các địa phương nức tiếng với nghề đánh bắt xa bờ như Phổ Thạnh (Đức Phổ), Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), Bình Châu (Bình Sơn)... cũng hăm hở vươn ra biển lớn trong những ngày sau Tết. Họ đi không chỉ để hái “lộc” biển cho gia đình, mà còn góp sức giữ bình yên cho vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi nói như ngư dân Nguyễn Hữu Quý thì: “Biển yên, ngư dân mới no”.
Trong khi ngư dân đánh bắt xa bờ hối hả ra khơi, thì những người đánh bắt gần bờ cũng tìm “lộc” biển đầu năm. Tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), từ sáng mùng 2 Tết, bà con cũng đã xuất hành ra biển. Chiều về, thúng lưới nặng cá, khiến làng chài vui như hội. “Đầu năm ra quân mà được thế này là may mắn lắm đây!”, ngư dân Trần Sáng hồ hởi cho biết. Cũng theo ông Sáng thì thời điểm này mọi năm, ngư dân vùng biển Tịnh Kỳ thường trúng cá cơm, nhưng năm nay loại cá này chưa xuất hiện. Thế nên, hiện giờ ngư dân nơi đây mong ngóng đàn cá cơm về để xuân thêm vui.
... xuống đồng
Trong khi ngư dân hối hả ra biển, thì người trồng lúa, làm rau trong tỉnh cũng tranh thủ ra đồng để giữ “lộc” cho mình. “Lộc” với họ chính là lúa tốt, rau xanh cộng với giá bán ở mức cao kỷ lục. “Một ký đậu cô ve hiện có giá 30.000 – 40.000 đồng nên tôi tranh thủ hái bán, chứ qua mùng 10 Tết là nó rẻ lại thôi”, ông Nguyễn Hữu Hiểu, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho biết. Với lý do trên nên mới mùng 2 Tết, ông Hiểu đã tay xách nách mang bao, rổ ra đồng hái đậu để sáng ngày mùng 3 Tết bán.
Trong khi ông Hiểu hồ hởi, thì không ít người làm rau trong tỉnh đã đón một cái Tết kém vui, vì thời tiết bất thường khiến họ thất thu vụ rau Tết. Thế nên chỉ nghỉ ngơi ngày mùng 1 Tết, mới sáng mùng 2, bà con đã tranh thủ ra đồng làm đất, khẩn trương xuống giống vụ rau mới. “Biết đâu hết tháng Giêng, rau xanh lại thiếu nên được giá, mình cũng gỡ gạc chút ít”, bà Nguyễn Thị Hưng, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thổ lộ ước muốn đầu xuân.
Cùng với người trồng rau, nông dân trồng lúa cũng tay xách cuốc, tay kẹp túi phân và lỉnh kỉnh cây lá, hình nộm, bẫy chuột ra đồng chăm lúa. Họ bảo hiện giờ, dù lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh tốt, thân khỏe và chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng vẫn không thể chủ quan. Bởi, với tiết trời ngày nắng, đêm lạnh như hiện nay thì, đạo ôn và chuột rất dễ bùng phát, cắn phá. “Hai đối tượng này mà kết hợp gây hại thì lúa trơ gốc”, ông Huỳnh Công Bảy, thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho hay. Vì vậy mà dù đạo ôn chưa xuất hiện, chuột cũng ít cắn phá nhưng hiện đám lúa nhà ông Bảy đã được phun thuốc phòng trừ đạo ôn và dày đặc hình nộm xua chuột.
Hy vọng rằng, với sự cẩn trọng của nông dân trong tỉnh ngay từ những ngày đầu xuân Bính Thân sẽ cho họ một năm lúa được mùa, cá đầy khoang, rau tươi tốt.
Từ ngày mùng 3 – 6 Tết Bính Thân, ngư dân các xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), Đức Lợi (Mộ Đức) và Bình Châu (Bình Sơn) đã tổ chức Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm. Đây là hoạt động truyền thống, được tổ chức thường niên vào dịp đầu năm mới. Theo ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh: “Với ngư dân Sa Huỳnh, Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là về vấn đề tâm linh. Bởi, theo quan niệm của ngư dân, nếu Lễ ra quân nghề cá thuận lợi, tàu ra vào cửa biển thuận buồm xuôi gió đồng nghĩa với một năm đánh bắt được mùa. Còn ông Lê Văn Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu chia sẻ: Lễ ra quân đánh bắt đầu năm là nhằm tạo niềm tin và là sợi dây kết nối ngư dân đoàn kết vươn khơi bám biển làm ăn. Sau nghi thức lễ mở biển, Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu đã phát lệnh vươn khơi xa ra quân đánh bắt hải sản đầu năm làm cho khí thế ra quân đầu năm vô cùng sôi động. Gần 160 chiếc tàu công suất lớn của xã Bình Châu sẵn sàng cho mùa biển mới trên 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. |
Bài, ảnh: M.HOA-X.THIÊN