(Baoquangngai.vn)-
Chơi đồ gỗ là thú chơi được rất nhiều người yêu thích. Nếu trước đây dân chơi đồ gỗ chỉ yêu thích các loại đồ mỹ nghệ thông thường thì hiện nay họ quay sang “khoái” loại đồ mỹ nghệ làm từ gốc cây rừng. Tuy nhiên để thỏa mãn thú chơi gốc cây rừng của không ít người đam mê, khiến cho những cánh rừng tự nhiên lại thêm mối lo…
Những ngày giáp Tết vừa qua, cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của ông Huỳnh Văn Nam ở thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà luôn nhịp nhàng tiếng đục đẽo “lốc cốc” và không khí làm việc rất khẩn trương.
Cùng với các hàng chục gốc cây khô khốc nằm chỏng chơ bên ngoài, thì bên trong cơ sở của ông, là nhiều bộ bàn ghế, tượng Phật, tượng ông phúc, ông lộc, rồng phượng… đặt khắp nơi, tất cả đều được làm từ gốc cây của nhiều loại gỗ khác nhau. Từ những gốc cây sần sùi, tua tủa rễ, qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ chạm khắc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, lập tức trở thành những món hàng độc với những đường cong hoa văn lả lướt và các hình dáng con vật được chạm trổ sắc sảo.
“Cái khó của nghề này là không có bản vẽ mẫu sẵn, vì vậy đòi hỏi tay nghề, sự sáng tạo của con người phải cao hơn những mặt hàng khác. Chính vì thế nên hàng nghìn sản phẩm thì không cái nào giống cái nào”- ông Nam chia sẻ.
|
Những chiếc bàn bằng gốc cây được chạm khắc như thế này có giá vài chục triệu đồng/chiếc |
Chỉ cho chúng tôi xem bộ bàn ghế bằng gốc cây xà cừ khá đẹp mà cơ sở ông vừa hoàn thành, ông Nam cho biết: Một bộ bàn ghế xà cừ hoàn thiện, được chạm trổ mây trời, rồng rắn có giá cả trăm triệu đồng. Riêng cái bàn đã đến 50, 60 triệu đồng. Còn ghế thì mỗi cái chục triệu bạc là chuyện thường tình. Tiền gỗ không bao nhiêu nhưng tiền công thì vô khối. Chỉ riêng cái bàn này, chúng tôi phải mất cả tháng dày công đục đẽo mới ra hồn…
Theo ông Nam, những gốc cây càng chạm trổ công phu thì tiền công càng cao. Với những gốc đại thụ làm theo kiểu quý tộc, cung đình… được chạm trổ công phu chỉ riêng tiền công cũng lên tới 15 – 20 triệu đồng/ sản phẩm.
Cùng với cơ sở của ông Nam, nhiều cơ sở làm đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động khá rầm rộ. Những ngày cuối vừa qua, cơ sở chế tác gỗ của anh Nguyễn Thanh Tiến ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) không còn chỗ trống. Phần lớn sản phẩm tại cơ sở này làm ra đều đã được đặt hàng từ trước.
“Phải có niềm đam mê nghệ thuật, hiểu được cách chơi mới có thể biến những gố cây vô hồn thành tác phẩm mỹ nghệ. Để có được một tác phẩm điêu khắc xuất sắc từ gốc rễ cây, điều quan trọng là người thợ phải có tư duy, con mắt nhìn ra hình dáng của sản phẩm từ bộ rễ nguyên liệu. Đối với người ngoài nghề nhìn vào thì gốc cây chỉ là gốc cây, chứ dân trong nghề thì thấy bàn ghế, tượng, phù điêu... Muốn sản phẩm đẹp, có hồn, người thợ luôn phải cẩn trọng trong từng đường nét, tỉ mẩn trong mỗi họa tiết”.”- anh Tiến chia sẻ.
|
Những gốc cây xá xị cũng được nhiều người lựa chọn để mua về trang trí trong nhà |
Theo anh Tiến, chơi đồ mỹ nghệ làm từ gốc cây tuy có tốn kém, nhưng bù lại là “không đụng hàng”, bởi một gốc cây có dáng thế khác nhau và sự sáng tạo khác nhau của người thợ. Ngày nay, không chỉ làm từ gốc các loại gỗ rừng, ngay cả những loại gốc cây trồng ở trong vườn nhà như cũng có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đây những bộ rễ, gốc cây không được đoái hoài tới và chỉ có một số ít người đi sưu tầm gốc cây để tạo dáng nghệ thuật, trang trí trong nhà. Theo thời gian, những sản phẩm này lọt gu thẩm mỹ giới “mê” đồ gỗ nên được không ít người săn tìm các sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc cây để về chưng trong nhà và giá bán các mặt hàng này cũng cao ngất ngưởng.
Nhiều chủ cơ sở mộc mỹ nghệ cho rằng, giá trị của hàng mỹ nghệ làm bằng gốc cây được xác định ngoài chất liệu gỗ còn bởi tùy thuộc vào dáng thế của gốc cây và tay nghề của người thợ. Gốc càng to, càng xù xì, thế càng lạ... thì giá càng cao. Hiện nay, giá của những sản phẩm làm từ gốc cây có giá cao ngất ngưỡng từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Dù giá cao, thế nhưng vẫn có nhiều người săn tìm và đặt mua, nhất là gốc của những loại gỗ quý như: Hương, cà te, cẩm lai, gõ…
|
Những gốc cây nằm la liệt ở bên ngoài các xưởng đồ gỗ mỹ nghệ |
Có cung, ắt có cầu, để đáp ứng thú chơi gốc rễ ngày càng tăng cao như hiện nay, những “đội quân” chuyên săn lùng gốc cây phải tỏa đi và len lỏi vào tận rừng sâu để kiếm những gốc cây độc và đẹp về bán cho các cơ sở làm đồ mỹ nghệ.
Tuỳ theo loại gỗ, độ lớn, dáng thế của gốc mà giá bán khá nhau, có gốc chỉ vài ba trăm nghìn đồng, nhưng cũng có gốc lên đến vài chục triệu đồng/gốc. Song, hiện nay, khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp để tìm được một gốc cây thuộc loài gỗ quý, có hình dáng tự nhiên đẹp rất khó. Tuy nhiên, dù việc lùng sục gốc cây gian nan hơn trước nhưng giá trị của nó lại tăng lên gấp nhiều lần nên nhiều người vì thế cũng lao vào tìm kiếm.
Lẽ dĩ nhiên, để lấy được một gốc cây đại thụ ra khỏi rừng, không biết bao nhiêu cây rừng đang sống xung quanh khác phải “hy sinh”. Thậm chí nhiều gốc cây còn xanh có thế đẹp vẫn được những người săn tìm đào về bán. Điều này, khiến cho rừng mất cơ hội tái sinh, phục hồi, nguy cơ xói mòn đất, hủy hoại các mạch nước ngầm… làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể nói, cùng với thú chơi đồ gỗ thì để thỏa mãn thú chơi gốc cây rừng của không ít người đam mê, khiến cho những cánh rừng tự nhiên lại thêm mối lo…!
PV