(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời được xem là cú huých lớn trong việc khai thác và đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh. Bởi, nhờ chính sách này, nhiều con tàu có công suất lên đến 1.000CV đã được hạ thủy, vững vàng thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa. Cuộc sống của ngư dân vì thế cũng sung túc, đủ đầy hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhộn nhịp hạ thủy tàu công suất lớn
Với kinh phí đầu tư lên đến 9 tỷ đồng, con tàu vỏ gỗ của ngư dân Phan Văn Thái, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vừa hạ thủy đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bởi, ngoài công suất lên đến 814CV, cùng ngư lưới cụ phục vụ cho nghề chụp mực được trang bị đầy đủ, thì con tàu này còn “ghi điểm” vì có bộ máy rất xịn. “Ngoài biển, tàu là nhà. Nghĩ vậy nên tôi mua luôn máy tốt, loại của Nhật Bản cho yên tâm, lại tiết kiệm chi phí vì nó sẽ ít bị trục trặc, đỡ công sửa đi sửa lại”, chủ tàu Phan Văn Thái lý giải.
Nghị định 67 là động lực để ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cao hiệu quả khai thác và đánh bắt thủy sản. |
Có tàu to, máy xịn nên ngay khi nó được hạ thủy, cả chủ tàu lẫn anh em đi bạn không ngần ngại thẳng tiến ra các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và “bám” ở đó hơn một tháng mới về cập cảng Thọ Quang (Đà Nẵng). Sau khi cân bán mực, ông Thái cùng 10 anh em đi bạn phấn khởi, vì ai cũng “ấm túi”.
Vậy nên, sau khi vệ sinh tàu, trữ thực phẩm, bổ sung nhiên liệu, ông Thái lại tiếp tục lái con tàu ra biển. “Ngoài Hoàng Sa giờ này tàu nhiều, đông vui lắm nên mình cũng tranh thủ ra góp vui”, ông Thái giải thích cho sự khẩn trương của mình. Chung niềm vui như ông Phan Văn Thái, ba ngư dân Đồng Hoàng Vũ (Phổ Quang), Nguyễn Sáu (Phổ Thạnh) và Nguyễn Đình Quang (Phổ An) cũng vừa hạ thủy 3 chiếc “tàu 67”, có công suất từ 720 – 900CV và vững vàng bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để hành nghề vây, mành chụp.
Trong khi dư âm của 4 con tàu vỏ gỗ trên chưa kịp lắng xuống thì mới đây, con tàu vỏ thép có kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng, công suất lên đến 1.000CV của ông Trương Văn Chín, xã Phổ Quang sắp hoàn thành càng khiến người dân nơi đây nức lòng. Đặc biệt là những hộ vốn không “thiện cảm” với Nghị định 67 vì cho rằng hồ sơ thủ tục rườm rà, tiến độ giải ngân chậm... “Thú thật là hồi trước tôi cũng đăng ký vay vốn đóng mới tàu theo chính sách 67 nhưng lại thôi. Giờ cũng tiếc”, chủ tàu Nguyễn Tư, xã Phổ Thạnh thổ lộ.
Tính đến nay, tổng số tàu được UBND tỉnh phê duyệt là 79 chiếc (nhưng có 25 chiếc có quyết định xóa tên do chủ tàu từ chối tham gia). Trong đó, số tàu cá đăng ký đóng mới được phê duyệt và đang triển khai là 35 chiếc, số tàu cá được các chi nhánh ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng là 18 chiếc và hiện có 15 chiếc đã được giải ngân với số tiền trên 94 tỷ đồng (trong số 166 tỷ đồng cam kết cho vay). Theo lãnh đạo Agribank Quảng Ngãi thì trước Tết Bính Thân 2016, đơn vị sẽ tiến hành lễ hạ thủy 2 chiếc tàu vỏ thép hiện đại gồm: Một chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất trên 1.000CV của huyện đảo Lý Sơn và 1 chiếc tàu đánh bắt cá do Agribank tài trợ với kinh phí 11 tỷ đồng. HỒNG HOA |
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Sau những trục trặc ban đầu khi triển khai thực hiện thì hiện giờ, tiến độ giải ngân vốn cho “tàu 67” đã được các chi nhánh ngân hàng quan tâm. Ví dụ như chủ tàu Đồng Hoàng Vũ, vì nguồn lực hạn chế nên khi quyết định đóng mới con tàu công suất 800CV, hành nghề mành chụp với kinh phí ước trên 6 tỷ đồng, ông Vũ mạnh dạn đăng ký vay vốn theo chính sách của Nghị định 67. Tuy nhiên, “nghe mọi người nói vay tiền theo diện 67 đã khó lại lâu nên tôi cũng lo đến mất ăn mất ngủ. Vì lỡ tàu đóng xong rồi mà chưa có tiền, phải vay nóng thì khổ lắm”, ông Vũ cho biết. Nhưng trái với lo lắng trên, sau khi hồ sơ vay vốn của ông Vũ được UBND tỉnh phê duyệt, ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV)- Chi nhánh Quảng Ngãi đã khẩn trương xem xét và giải ngân số tiền 5 tỷ đồng.
Không chỉ ông Vũ mà trên địa bàn huyện Đức Phổ hiện có 5 chiếc “tàu 67” đã được chi nhánh các Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Quảng Ngãi, Agribank Sa Huỳnh và BIDV giải ngân, với số tiền trên 18 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chiếc tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và cùng ngư dân vươn khơi. Còn chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của huyện dự kiến sẽ hạ thủy vào đầu năm nay. Đức Phổ là địa phương có số lượng “tàu 67” hoàn thành và hạ thủy nhiều nhất tỉnh.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2015, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay theo Nghị định 67, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hoàn thành việc đóng mới tàu để vững vàng vươn khơi. “Kết quả này cũng đã xóa tan những hoài nghi của ngư dân về tính hiệu quả của Nghị định 67. Từ đó giúp bà con tin tưởng hơn vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân – những người tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA