Mất ăn mất ngủ vì… chuột

06:01, 09/01/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Không ít nông dân đang lao đao, mất ăn mất ngủ vì chuột hoành hành phá lúa non. Những ruộng lúa vừa lên xanh 2-3 lá non bị cắn phá tơi tả, thân cây nổi bồng bềnh trên mặt ruộng.

TIN LIÊN QUAN

Khốn khổ vì ông “Tí”

Vừa xuống giống vụ đông xuân, bà con nông dân đã phải đứng ngồi không yên vì nạn chuột đang hoành hành khắp các cánh đồng. Đi dọc các khu dân cư thuộc các xã khu Đông, huyện Bình Sơn, đi đâu cũng nghe nông dân than phiền chuyện chuột quậy phá lúa. Những đám lúa vừa nứt 2-3 mầm lá xanh tốt bị chuột cắn đứt ngang, ngã rạp.

Tay cầm bình nhớt để chuẩn bị ra đồng bẫy chuột, nông dân Trần Thìn, ở xóm Đông Trung, xã Bình Hòa than thở: “Nhà tui có 3 sào lúa, bị cắn phá hết 2 sào rồi. Mấy bữa nay dùng đủ cách diệt chuột vẫn không hết. Mới nghe mọi người mách chuột có thói quen liếm vào lông, mình đổ nhớt xuống bờ ruộng, để chuột bò qua sẽ dính vào lông, khi liếm lông, nhớt ngấm vào ruột sẽ chết, tui làm ngay. May đâu cách này hữu hiệu chứ không có nước trắng tay!.

Không riêng gì anh Thìn, ruộng của chị Nguyễn Thị Thắm ở gần đó cũng bị thiệt hại do chuột cắn phá dữ dội. Cả đám ruộng ruộng lúa những 4 sào nhiều chỗ trống trơn do vừa xuống giống, lũ chuột đã “lượm” sạch. Trên mặt ruộng chi chít dấu chân chuột.

 

Chuột đang tàn phá lúa non.
Chuột đang tàn phá lúa non.


“Ông “Tí” khôn lắm, nó thính vô cùng, mình kho cá trộn với lúa và thuốc kẽm không thèm ăn. Hôm nào ra đồng xót quá chửi đổng, tối nó càng cắn dữ dội hơn. Nhà ai cũng có ruộng bị chuột cắn không biết tìm xin mạ ở đâu ra mà dặm? Mất ăn mất ngủ vì chuột. Cứ đà này, thất thu như chơi”- chị Thắm xót xa.

Khắp các cánh đồng tại huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành thực trạng này cũng không kém phần bi đát, nhất là những ruộng lúa lúa nằm sát gò đồi, sông suối, mương rộc, các khu dân cư, làm nông dân mất ăn mất ngủ. Không ít nông dân phải mua bạt về chắn chuột.

Chuột sinh sôi nhanh là do từ khi thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện lũ lụt lớn. Các ổ chuột không bị cuốn trôi nên có điều kiện sinh sôi nảy nở, bùng phát, tàn phá trên khắp các mặt ruộng.

Bên cạnh đó, phong trào diệt chuột để bảo vệ mùa màng của nông dân trước khi vào vụ chưa được phát huy, nông dân mang tư tưởng khi nào có hãy diệt cũng tạo điều kiện cho chuột hoành hành. Chuột di chuyển khắp đồng để cắn phá, tìm thức ăn, rất khó phòng trừ và tiêu diệt.

Khẩn trương tiêu diệt

Tình trạng chuột hoành hành, cắn phá ruộng lúa khiến nông dân lao đao. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Diệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết, việc chuột hoành hành do nắng hạn kéo dài là điều không thể tránh khỏi.

 

Đào hang bắt chuột.
Đào hang bắt chuột.



Ngành đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho nông dân chủ động diệt chuột bằng các biện pháp truyền thống như đào hang, sử dụng bẫy thủ công…, đặc biệt là sử dụng bã diệt chuột sinh học Biorat, nên đặt bã vào sáng sớm và chiều tối.

Bã diệt chuột sinh học Biorat là biện pháp diệt chuột hiệu quả, có độ an toàn cao với người và động vật máu nóng. Khi chuột ăn phải bả khoảng 5- 6 ngày sau chuột sẽ chết do chảy máu từ từ ở dạ dày, ruột rồi chết.

Nông dân tuyệt đối không sử dụng bẫy điện vì nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng con người. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế sử dụng các loại thuốc diệt chuột độc hại… Với cách sử dụng dầu nhớt để diệt chuột gây ô nhiễm môi trường nước.

Để hạn chế mật độ và tác hại của chuột trên đồng ruộng, bà con diệt chuột sớm, thường xuyên, liên tục, đồng loạt trên diện rộng... chứ để đến lúc mật độ và tác hại của chuột đã ở mức cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ đông xuân. Không chỉ lúa mà ngay cả bắp, đậu phụng, rau màu… cũng sẽ là đối tượng gây hại của chúng.


 

Bài, ảnh: Ái Kiều


.