(Baoquangngai.vn)- Nhằm giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất và góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, tại huyện vùng cao Tây Trà, đồng bào Cor đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trong đồng ruộng. Đây thực sự là một cuộc “cách mạng” đối với sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao này.
TIN LIÊN QUAN
Khác với nhiều năm trước, thời điểm xuống giống vụ lúa đông xuân năm nay, về các cánh đồng của xã Trà Phong (Tây Trà), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc máy cày đang cày, bừa trên những thửa ruộng với tiếng nổ dòn, vang rộn một vùng núi non xanh thẳm. Có máy cày, đồng bào Cor ở Tây Trà thêm phấn khởi, họ thường gọi vui những máy cày này là những con “trâu sắt”.
Cũng như những nông dân khác, trước đây anh Hồ Văn Thiên ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, mỗi khi đến mùa gieo sạ, gia đình anh phải vất vả phải chạy đôn chạy đáo đi mượn người cuốc ruộng, thuê trâu bò về bừa, rồi lo toan đủ thứ chuyện. Nhưng từ khi có con “trâu sắt” về thôn mọi chuyện đã thay đổi.
Chỉ thửa ruộng vừa mới cày, bừa xong, anh Hồ Văn Thiên phấn khởi cho biết: Con “trâu sắt” giúp đồng bào mình làm ruộng lúa nước nhanh hơn. Mọi năm, khi làm đất để xuống giống 2 sào ruộng lúa nước anh phải thuê người cuốc trong mấy ngày mới xong, sau đó còn phải thuê trâu bò về bừa, tính ra rất tốn kém. Đã vậy, làm bằng sức người vừa vất vả lại vừa chậm chạp, nếu không may đến khi cuốc xong mà thiếu nước sạ thì sẽ trễ lịch thời vụ.
“Trong khi đó, có máy cày, bừa mình không tốn công lao động nhiều, thời gian nhanh hơn chỉ mất vài tiếng đồng hồ là xong mà chi phí lại thấp hơn một nửa so với làm thủ công như trước và mình cũng không lo khô nước và trễ thời điểm xuống giống.”- anh Thiên nhẩm tính.
Với lối canh tác trước đây, hầu hết bà con đồng bào Cor ở huyện vùng cao Tây Trà mỗi khi đến mùa gieo sạ lúa nước thường dựa vào sức người và sức cày kéo của trâu bò là chính, nên hiệu quả không cao và thường mất rất nhiều thời gian, tốn công lao động. Chính vì vậy, không riêng gì gia đình anh Thiên mà hầu hết các gia đình khác đều rất phấn khởi khi có sự hỗ trợ của những con “trâu sắt” trong khâu cày bừa.
Ngồi trên bờ nhìn con “trâu sắt” đang “lội” dưới thửa ruộng của mình, ông Hồ Văn Hà ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong hồ hởi: Hơn hẳn con trâu mình nuôi rồi! Cái máy này hay thiệt, thấy nhẹ nhàng mà tiện lợi hơn con trâu rất nhiều. Chỉ việc cho nó uống vài lít dầu thế là leo lên nó điều khiển chạy quanh ruộng trong thời gian ngắn là xong hết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đưa cơ giới hóa vào làm đất để gieo xạ đã được xã Trà Phong triển khai thực hiện từ 3 năm nay. Hiện toàn xã có 3 chiếc máy cày. Đây là những chiếc máy cày được hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ công cụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2.
Những con "trâu sắt" giúp người nông dân đỡ vất vả |
Ông Trương Ngọc Đông- Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết: Để phát huy hiệu quả, 3 chiếc máy cày này được địa phương chuyển giao về cho 3 thôn Trà Nga, Trà Niêu, Gò Rô quản lý và sử dụng.Tại các thôn sẽ phân công cụ thể người quản lý và thu tiền. Số tiền thu được từ cày, bừa ruộng cho người dân sau khi trừ chi phí xăng dầu, nhân công… sẽ được đóng góp vào quỹ thôn để hoạt động.
“Từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất bà con nông dân đã chủ động hơn trong việc sản xuất kịp thời vụ, đồng thời giảm sức lao động từ 30 - 40% so với trước đây và thu nhập cũng được nâng lên. Tuy nhiên với đặc thù là ở vùng miền núi ruộng đồng theo kiểu bậc thang, manh mún nên đưa việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Hiện toàn xã có 45ha diện tích ruộng lúa nước, nhưng chỉ có khoảng 50% diện tích là có thể đưa máy cày, bừa vào hỗ trợ nông dân sản xuất được”- ông Đông cho biết thêm.
Có thể nói, với đặc thù huyện miền núi, điều kiện địa hình và nhận thức còn hạn chế của người dân trong phương thức canh tác, sản xuất là một trong những khó khăn để đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên diện rộng. Song với những hiệu quả thiết thực bước đầu mà cơ giới hóa mang lại thì đây là tiền đề để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, giúp đồng bào Cor Tây Trà nâng cao nhận thức, từng bước chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang sử dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện cuộc sống.
Bảo Khánh