(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) từng là “thủ phủ” sản xuất gạch, ngói Sông Vệ nổi tiếng. Nay vì ô nhiễm môi trường, người dân nơi đây đã biến làng gạch ngói thành làng hoa ngút ngàn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà nhà trồng hoa
Những thửa hoa nơi đây không rộng mênh mông như các cánh đồng hoa tam giác mạch ở các tỉnh phía Bắc, hay cánh đồng hoa cúc, lay ơn, hoa hồng ở Đà Lạt mà xen kẽ trong những góc vườn, thửa ruộng chân cao, trên các sân phơi gạch nung. Mỗi thửa chừng 300- 1.000m2, nhưng do nhà nhà trồng hoa nên đã tạo thành cánh đồng hoa xen lẫn trong những xóm nhà.
Phụ nữ Mỹ Hòa xã Nghĩa Mỹ tập trung chăm sóc hoa tết. |
Trên thửa đất hơn 1.000m2 của cô Võ Thị Nương trồng hoa cúc Đà Lạt có khá đông phụ nữ đang bấm ngọn hoa. Cô Nương cho biết: “Đây là giai đoạn quyết định cho cây ra hoa nhiều, nên phải huy động chị em tập trung bấm ngọn, bón phân, cắm cháy, cột dây”. Cô Nương có thâm niên trồng hoa đã hơn 10 năm. Cô hiểu, trồng hoa tuy đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm gạch nung và làm ruộng, nhưng để cây hoa phát triển nở hoa đều, rộ, đậm màu trong mùa xuân về, người trồng hoa phải có chút nghệ thuật, kỹ thuật và nhạy bén với sự thay đổi của thời tiết trong mùa đông.
Cô Nương, chia sẻ: “Kể từ khi gieo giống, trải ảng, trộn đất vào phân để trồng hoa, lúc nào cô cũng túc trực ngoài vườn. Khi cây hoa bén rễ cũng là lúc cô bỏ công chăm sóc nhiều hơn. Lúc thì tưới nước, bón phân, bấm cơi (bấm ngọn), khi cây hoa bắt đầu có dáng thì cắm cháy, cột dây, ràng lưới, trẩy búp... Mỗi đợt chăm sóc hoa phải mất từ 5-10 công”. Nhọc nhằn, tỉ mẩn trong từng giai đoạn phát triển của hoa, nên mỗi mùa xuân về, vườn hoa của cô nở đều, thu hút khá đông khách đến mua, mang về thu nhập cho cô hàng chục triệu đồng.
Theo nhiều người dân nơi đây, mặc dù cả làng trồng hoa, nhưng cứ đến 20 - 25 tháng Chạp là khách hàng các nơi, xe tải tập trung về xóm nhỏ này mua hoa khá đông, nên dù cả làng trồng hoa vẫn tiêu thụ hết, đem về thu nhập cho mỗi nhà ít nhất 10 triệu đồng, nhà nhiều lên đến cả trăm triệu đồng. |
Thấy trồng hoa có hiệu quả, những người trong làng từng làm gạch, làm ngói đã bắt đầu chuyển sang trồng hoa và làm công cho những người trồng hoa với quy mô lớn như cô Nương. Chị Lục Thị Phúc, cho biết: “Làm gạch khá nhọc nhằn, nhưng thu nhập thì không bao nhiêu. Vài năm gần đây, việc sản xuất gạch nung đã bị chính quyền nhắc nhở nên nhiều lò gạch hoạt động cầm chừng, có lò đã giải thể”. Để có nguồn thu nhập, trên mảnh đất 200m2 trong vườn nhà chị Phúc đã trồng hoa.
Hình thành HTX chuyên sản xuất hoa
Hoa Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ đã được trồng và chăm chút qua nhiều năm nên Tết đến xuân về hoa đẹp ngời ngời. Chính điều này đã làm nên “thương hiệu” hoa Sông Vệ. Huyện Tư Nghĩa đã có chủ trương thành lập HTX trồng hoa cho chị em phụ nữ ngay trên làng quê này vào cuối năm 2014, nhằm giải quyết nguồn lao động từ các lò sản xuất gạch nung khi giải thể theo chủ trương giảm thải ô nhiễm môi trường. Với vốn điều lệ 30 triệu đồng và Nhà nước hỗ trợ bằng các hiện vật để trồng và sản xuất hoa, trị giá 150 triệu đồng. HTX có 25 thành viên, nay đã đi vào hoạt động ổn định.
Trong vườn hoa tươi tốt hơn 2 sào, các thành viên HTX đang chăm sóc, bón phân cho hoa, thì chị Nguyễn Thị Đoàn- Giám đốc HTX đã lên danh sách chào bán hoa cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh trong dịp Tết. Chị Đoàn cho biết: Năm nay, HTX đã trồng 2.500 chậu hoa cúc, hoa vạn thọ Đà Lạt. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, nên đến thời điểm này hoa phát triển rất tốt. Chị Đoàn lý giải: Sở dĩ chị tự tin có hoa bán ngay sau khi thành lập là bởi HTX tuy có người mới vào nghề, nhưng cũng có người trồng hoa lâu năm nên đã hỗ trợ kỹ thuật cho nhau. Mục đích thành lập HTX là nhằm hỗ trợ kỹ thuật để sau khi thuần thục cách trồng hoa, các chị có thể về tận dụng vườn nhà để trồng hoa.
Bài, ảnh: MAI HẠ