(Baoquangngai.vn)- Chỉ còn vài ngày nữa, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào vụ sản xuất mới. Tình trạng loạn lúa giống sẽ được chấn chỉnh khi ngành nông nghiệp siết chặt cơ cấu giống chỉ còn 18 giống thay vì 27 giống như những vụ mùa trước.
TIN LIÊN QUAN
Lúa giống trăm hoa đua nở
Hiện nay cả nước có trên 200 giống lúa trên đồng ruộng, mỗi tỉnh không dưới 50 giống lúa được trồng phổ biến. Từ các viện, công ty, trung tâm cấp quốc gia, tại các tỉnh đều có công ty, trung tâm và rất nhiều đơn vị khác nghiên cứu ra các giống mới. Thời gian qua chúng ta quá chú trọng đến việc lai tạo các giống mới, trong khi trên thị trường đang có quá nhiều giống lúa kém chất lượng.
Cứ đến vụ mùa, ngành nông nghiệp đưa ra cơ cấu giống lúa tới 27 giống các loại từ chủ lực, bổ sung đến triển vọng và sản xuất thử. Trong khi đó, khảo sát các đại lý vật tư nông nghiệp, có không dưới vài chục giống lúa đang bán trên thị trường, có cả những giống lúa mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không dùng vì kém chất lượng hoặc giống dài ngày không phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Giống lúa nhiều vô kể nên việc kiểm soát chất lượng lúa giống ở các địa phương còn bỏ ngỏ, còn người nông dân thì chẳng khác gì lọt vào “ma trận” giống lúa. Và đã không ít nông dân phải dở khóc dở cười vì chọn phải giống kém chất lượng.
Nhiều nông dân phải dở khóc dở cười vì giống kém chất lượng. Ảnh: Ái Kiều/Báo Quảng Ngãi. |
Nông dân Đoàn Tấn Khôi ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) buồn rầu nói: “Vụ này không biết sạ giống gì chứ tui sợ rầy quá rồi! Vụ vừa rồi nghe nói giống lúa thơm gạo ngon tui mua về sạ chứ ai ngờ nhiễm rầy kinh khủng. Vừa thấy lúa có rầy là tôi phun liền nhưng nó không chết, mà còn đẻ nhiều hơn. 3 sào mà thu hoạch chưa tới 50 ang lúa”.
Hàng trăm hộ nông dân ở huyện Bình Sơn cũng đã từng điêu đứng, vì ruộng cày bừa xong nhưng thóc giống được hỗ trợ từ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh khi ngâm ủ tới 5 ngày 5 đêm vẫn chưa chịu nảy mầm. Phần lớn các cơ sở bán giống đã qua lai tạo nhiều đời, lẫn tạp nên không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp.
Giống lúa không đảm bảo chất lượng không những gây thiệt hại cho nông dân mà còn dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, không đồng đều nên không thể cạnh tranh được với các nước khác. Chất lượng gạo thấp một phần nguyên nhân cũng là do trong một vụ có đến mấy trăm giống lúa được gieo sạ.
Gỡ khó cho nông dân
Nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn lúa gống, theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT là mỗi địa phương chỉ được chọn 4-6 giống chủ lực. Tại Quảng Ngãi, ngành nông nghiệp đưa ra cơ cấu giống lúa chỉ với 18 giống, tùy theo vùng sinh thái khác nhau mà các địa phương chọn cho phù hợp, thay vì 27 giống như các vụ trước.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, không áp đặt mà trước khi đưa ra cơ cấu giống lúa, Sở đã lấy phiếu đánh giá từ các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc với từng loại giống. Đây là những giống “ưu tú” nhất được kiểm nghiệm qua thực tế sản xuất nhiều vụ và được các địa phương bỏ phiếu bình chọn.
Cần siết chặt quản lý trong khâu sản xuất lúa giống. Ảnh: Ái Kiều/Báo Quảng Ngãi. |
Theo đó, có 6 giống chủ lực là HT1, Thiên ưu 8, KD đb, OM6976, ĐV 108, VN121; 6 giống bổ sung là: DT 45, KD28, PC6, OM8017, D9T34, VTNA2, 6 giống có triển vọng sản xuất thử: MT10, SV181, GS333, GS747, ĐH 99-81, ĐH 815-6.
Tùy theo mỗi vùng, Sở cũng yêu cầu mỗi địa phương chọn từ 2-3 giống chủ lực và 1-2 giống bổ sung để gieo sạ phù hợp, trong các giống có triển vọng chọn 1 giống sản xuất thử, nếu có kết quả tốt đề nghị bổ sung vào danh mục.
Ông Nguyễn Thiên Thanh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho rằng: Việc siết chặt quản lý chất lượng và cơ cấu giống lúa giảm so với trước là hợp lý, góp phần gỡ rối cho nông dân.
Vụ đông xuân này, huyện Tư Nghĩa có kế hoạch xuống giống 4.100 ha lúa, tùy mỗi vùng mà huyện sẽ có cơ cấu giống lúa phù hợp với 4 giống lúa chủ lực là: VTNA2, KD28, ĐV 108 và Thiên ưu 8.
Lý giải về chuyện giống lúa VTNA2 được Sở đưa vào giống bổ sung, nhưng huyện mạnh dạn đưa vào chủ lực, ông Thanh cho biết, đây là giống lúa được gieo sạ đã nhiều năm và nông dân rất “hít” bởi năng suất ổn định, luôn đạt trên 65 tạ/ha, ít sâu bệnh, gạo thơm ngon. Khâu đánh giá năng suất khách quan bằng cách ra tận đồng gặt thử, đem cân, so sánh từng thửa ruộng, từng giống lúa.
Với giống lúa VN121 trong khi Sở đưa vào danh mục giống chủ lực thì huyện lại đưa ra khỏi danh mục, ông Thanh cho biết, qua nhiều vụ gieo sạ cho thấy đây là giống khi chín bằng mắt thường trông rất đẹp, nhưng khi gặt thử không đạt hiệu quả bằng các giống khác. Nhược điểm của VN121 là vụ đông xuân nhiễm nấm và hè thu nhiễm rầy.
Cùng với việc gỡ khó cho nông dân về cơ cấu giống lúa, bà con nông dân rất mong ngành nông nghiệp có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng của các giống lúa trước khi đưa ra thị trường để tránh thiệt hại, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh và ổn định chất lượng của sản phẩm gạo xuất khẩu.
Bài, ảnh: Ái Kiều