(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, Khu Công nghiệp (KCN) Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đã không ngừng phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở KCN Tịnh Phong vẫn còn thiếu và yếu, chưa xứng tầm với một KCN…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hạ tầng còn yếu
Dù thành lập đã 18 năm, nhưng đến nay KCN Tịnh Phong vẫn còn khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, đường giao thông, hệ thống cây xanh một cách đồng bộ, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Khó khăn nhất là hệ thống xử lý môi trường nước thải và chất thải rắn trong KCN chưa được đầu tư xây dựng.
Hạ tầng đường giao thông, điện thắp sáng... trong KCN Tịnh Phong còn yếu. |
Anh Nguyễn Quốc Việt, công nhân may tại KCN Tịnh Phong cho biết: “Việc đi lại trong KCN còn khó khăn, nhất là những hôm trời mưa. Đường có nhiều ổ gà (tuyến đường số 7– PV) đi xe máy rất dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt là nhiều công nhân nữ không dám đi làm ca đêm, vì điện chiếu sáng không có nên rất lo ngại khi tan ca về nhà".
Hiện KCN Tịnh Phong có 8 tuyến đường. Trong đó có tuyến đường số 6 chưa làm; tuyến đường số 3 mới chỉ san nền, mặt đường chưa có; còn tuyến đường số 7 trước đây chỉ làm cấp phối nên đã xuống cấp nặng, tạo nên những ổ gà, gây nguy hiểm cho công nhân khi đi lại trong KCN.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Quân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) thẳng thắn thừa nhận sự thiếu đồng bộ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN Tịnh Phong. Theo ông Quân, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự thiếu đồng bộ trên là do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Vì thế, Công ty không thể đầu tư được nhiều mà chỉ đầu tư hạ tầng cơ bản như điện, đường chính, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Do đó, để từng bước khắc phục khó khăn, Công ty đã chủ động lên kế hoạch các dự án ưu tiên để xin vốn ngân sách, triển khai nhiều gói thầu, từng bước hoàn thiện KCN Tịnh Phong. Đồng thời nhằm hoàn thành mục tiêu hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, thu hút đầu tư, QISC đã sử dụng nguồn vốn của chính Công ty đầu tư san lấp mặt bằng 20ha tại KCN Tịnh Phong để chuẩn bị đất sạch giao cho nhà đầu tư. Và hiện tại Công ty đã giao được 13ha, còn lại 7ha sẵn sàng giao nếu có nhà đầu tư vào.
Nói về sự không đồng bộ giữa BQL các KCN tỉnh và QISC, ông Nguyễn Trung Quân cho rằng, nguồn vốn ngân sách giao cho BQL các KCN tỉnh duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng KCN là đúng. Tuy nhiên, BQL lại không giao cho QISC làm mà thuê công ty ở ngoài làm. Trong khi đó, QISC là chủ đầu tư cơ sở hạ tầng ở KCN nên công ty hiểu rất rõ điện, đường… hư chỗ nào và tiến hành sửa chữa đúng, hiệu quả hơn. |
Sắp tới, Công ty sẽ hoàn thành đường số 3, đường số 7 và tham mưu UBND tỉnh xin vốn ngân sách trung ương đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 1.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, để chủ động kinh phí duy tu bảo dưỡng như sửa điện, đường, chăm sóc cây xanh… Công ty cũng đã đề xuất cho thu phí doanh nghiệp với mức 4.000 đồng/m2 và đề xuất điều chỉnh giá đất để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bởi hiện tại giá đất ở các KCN còn cao nên doanh nghiệp có sự so sánh với các KCN ở các tỉnh lân cận.
Thiếu đồng bộ trong quản lý, đầu tư
Theo ông Phạm Xuân Vinh – Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh thì khó khăn hiện nay là chưa có sự đồng bộ trong quản lý đầu tư. Vì theo Nghị định 29 của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế thì Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước đối với các KCN, được Nhà nước giao vốn kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay BQL các KCN tỉnh không được UBND tỉnh giao vốn để đầu tư hạ tầng mà chỉ giao nhiệm vụ thu hút đầu tư. Còn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng KCN, UBND tỉnh giao cho QISC để đầu tư phát triển hạ tầng KCN Tịnh Phong và Quảng Phú. Điều này dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhiệm vụ thu hút đầu tư không đồng bộ; thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, trong khi BQL được giao nhiệm vụ thu hút, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì QISC lại được UBND tỉnh ủy quyền cho doanh nghiệp thuê lại đất. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại các KCN tỉnh do nhà đầu tư phải thông qua hai đầu mối mới vào được KCN.
Việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN là điều kiện quan trọng để xúc tiến thu hút đầu tư và triển khai dự án của các nhà đầu tư. Chính vì vậy, để ngành công nghiệp Quảng Ngãi phát triển hơn nữa, xứng tầm là một KCN theo đúng nghĩa thì các cấp lãnh đạo tỉnh cần có sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt để tạo sự đồng bộ về hạ tầng ở các KCN, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Bài, ảnh: HỒNG HOA