(Báo Quảng Ngãi)- Công nghiệp phụ trợ có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư và đang chờ đón làn sóng đầu tư từ vốn ngoại. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) ngoại đối với ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trở ngại lớn trong việc đầu tư đối với các DN chính là họ không tìm ra đối tác cung cấp thiết bị, linh kiện cho hoạt động sản xuất của mình mà phải nhập khẩu các thiết bị từ nước ngoài về trong công đoạn cuối để có một sản phẩm công nghiệp ra đời...
Chưa thoát ra khỏi vạch xuất phát
Cùng với "đầu tàu" KKT Dung Quất, Khu Công nghiệp- Đô thị và Dịch vụ VSIP cũng đang kêu gọi DN đầu tư đi vào hoạt động sẽ là điểm nhấn để chúng ta thu hút các DN đầu tư vào tỉnh, trong đó có CNPT.
Ngành CNPT của tỉnh ta vẫn cần một cú huých trong thời gian đến Trong ảnh: Một tàu trọng tải lớn cập cảng chở hàng của doanh nghiệp FDI Doosan Vina. |
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành CNPT vẫn chỉ ở dạng… tiềm năng, dù lợi thế là không hề nhỏ. Theo nhiều DN đang hoạt động tại KKT Dung Quất, hiện nay vấn đề họ quan tâm là tỉnh phải có cơ chế thu hút được các DN chuyên đi sâu vào lĩnh vực sản xuất CNPT để hỗ trợ cho DN. Bởi có như vậy, DN mới tạo được lợi thế cạnh tranh, tăng doanh thu và quan trọng hơn là không phải mất quá nhiều thời gian cho việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị từ nước ngoài về.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều DN hoạt động ở lĩnh vực CNPT. Tuy nhiên, những DN này hoạt động nhỏ lẻ, cung cấp các mặt hàng giản đơn và chưa có tính liên kết chặt chẽ. Trong khi đó, đòi hỏi hiện nay của các DN lớn chủ yếu là ở các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp nặng, dệt may…
Kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ trong dịp lãnh đạo tỉnh đi thăm và chúc mừng các DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, thì trăn trở lớn nhất của hầu hết các DN là họ cần “chất xúc tác” từ lĩnh vực CNPT. Họ cần có sự chia sẻ và tạo lợi thế ngay tại "sân nhà" chứ không phải bước vào công đoạn cuối của một sản phẩm là phải loay hoay với thiết bị, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, mà lẽ ra ngay trên mảnh đất này có thể làm được. |
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng, hoạt động công nghiệp cơ bản của tỉnh hiện nay dù có nhiều khởi sắc nhưng còn khá yếu kém và đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác dẫn đến chi phí đầu vào của các DN khá cao. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ kinh doanh (nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing, phân phối...) cũng khá yếu. “Để trở thành một tỉnh công nghiệp, Quảng Ngãi cần phải thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực CNPT. Có như vậy mới tạo được tính liên kết chặt chẽ, bền vững. Còn không, chúng ta vẫn mãi chỉ phát triển “nóng” và không thể tạo cho DN niềm tin để tìm đến đầu tư” – Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ.
Tỉnh luôn chào đón DN
Theo chiến lược phát triển kinh tế và công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế của miền Trung, là trung tâm CNPT của toàn vùng; đồng thời tiến đến một nền công nghiệp vững mạnh nhằm đạt được các lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải có một trung tâm hậu cần, dịch vụ sản xuất và CNPT chuyên sâu vào các nhóm ngành chính là linh kiện, phụ tùng cơ khí, khuôn, hàn, tiện, mạ, xử lý kim loại, công nghiệp điện tử và linh kiện... Để thực hiện được điều đó, phát triển CNPT càng trở nên cấp thiết.
Không chỉ DN mà ngay các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng đang "đau đầu" trong chuyện thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng này. Trước tình hình đó, một điểm sáng đã khơi mở khi mới đây trong chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ với các DN, Giám đốc Công ty CP dịch vụ dầu khí PTSC Quảng Ngãi Phạm Văn Hùng cho biết, công ty đang có ý định đầu tư vào ngành CNPT và mong muốn nhận được những ưu đãi từ tỉnh. Nhận thông tin của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ cho biết, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để DN an tâm đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời, sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cũng như tăng cường nhiều hơn các chương trình xúc tiến đầu tư mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNPT để tạo được tính liên kết.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC