(Báo Quảng Ngãi)- Để kịp phục vụ Tết Nguyên đán, cuối tháng 6 đầu tháng 7 (âm lịch), các hộ trồng kiệu đã bắt đầu xuống giống. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, người trồng kiệu hy vọng vào một vụ mùa bội thu.
Tất bật cho vụ mới
Vụ kiệu năm nay, nhà ông Lê Tấn Nhị ở khu dân cư số 8, thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn) trồng hơn 4 sào. Xuống giống chậm hơn các hộ khác khoảng 10 ngày, ông Nhị cho biết: Vì đất tốt, nên gia đình tôi xuống giống chậm hơn so với các hộ khác. Hơn nữa, do năm nay tôi thay đổi cách làm nên ít tốn nhân công hơn lại làm nhanh hơn. Còn chị Hồ Thị Cúc, cũng ở khu dân cư này, thì cho rằng, thời tiết năm nay nắng kéo dài, tới tháng 7 âm lịch mới bắt đầu có mưa nên cây kiệu phát triển rất thuận lợi. Theo chị Cúc, trồng cây kiệu nhọc công, phải thường xuyên nhổ cỏ, bón phân kiệu mới tốt được.
Chị Hồ Thị Cúc, ở khu dân cư số 8, thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn) chăm sóc 2 sào kiệu phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến. |
Thông thường vào tháng 7 âm là bắt đầu vụ kiệu Tết, nhưng do điều kiện đất đai của mỗi nơi mỗi khác nên có nơi xuống sớm hoặc muộn hơn. Ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) các hộ trồng kiệu xuống giống hồi tháng 6 âm lịch, do vậy cây kiệu đã lên cao và phát triển rất tốt. Ông Phạm Văn Chúng ở tổ 1, thôn Phú Bình Tây, cho biết: Ở đây chúng tôi xuống giống sớm hơn so với mọi nơi, tới tháng 11 âm lịch là có thể thu hoạch, để gần tới Tết không phải chạy đôn chạy đáo đi bán như mọi năm.
Những người trồng kiệu cho biết, bên cạnh việc chăm sóc tốt thì trước tiên phải chọn giống tốt. Thông thường họ mua giống ở Phù Mỹ (Bình Định). Nhiều hộ có thâm niên, kỹ thuật hơn thì chọn cách tự giâm giống để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, muốn cây kiệu phát triển tốt phải thường xuyên nhổ cỏ và bón phân chuồng, nắng quá thì phải tưới nước để tránh vàng lá, rầy nâu.
Cần hỗ trợ để phát triển bền vững
|
Ông Hà Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long (Bình Sơn) cho biết: Đất ở thôn Long Yên chiếm phần lớn là loại đất pha cát, sỏi rất thích hợp để trồng kiệu. Vì vậy, thôn có 250/289 hộ tham gia trồng kiệu, với diện tích khoảng 15ha. Đây là "cây kinh tế" chính của người dân nơi đây. Do vậy, vụ kiệu Tết được người dân rất chú trọng.
Nhưng lo bị ép giá
Mặc dù so với các loại hoa màu khác, cây kiệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng theo những người trồng kiệu thì, giá củ kiệu trung bình vẫn giữ nguyên trong những năm qua, trong khi giá chi phí nhân công, vật tư ngày càng tăng lên. Không những thế, vụ kiệu Tết vừa qua tuy được mùa, nhưng nông dân lại bị ép giá. Vì thế, người trồng kiệu luôn canh cánh nỗi lo. Ông Lê Tấn Nhị kể: "Năm trước, nhà tôi bán được kiệu đợt đầu có giá 10 nghìn đồng/kg, còn đợt sau bị ép giá xuống còn 7 nghìn đồng/kg. Thương lái đến đây rất đông, nhưng họ không mua vội, đẩy giá kiệu có thời điểm xuống còn 5 nghìn đồng/kg". Trước tình cảnh đó, năm ngoái, bà Hồ Thị Cúc phải chở vào tận TP. Quảng Ngãi để tìm mối bán.
Trong khi đó, người trồng kiệu ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng có chung nỗi lo bị ép giá. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại chọn cách "ngày đêm không ngủ" để kiếm thêm đồng tiền lời. Ông Phạm Lai, ở tổ 1 thôn Phú Bình Tây, cho biết sáng kiến của gia đình: Năm rồi, nhà tôi vận động hết con cái dậy sớm nhổ kiệu để chở đến chợ đầu mối TP. Quảng Ngãi bán. Thức khuya, dậy sớm là việc thường tình của người làm nông, nhưng đến mùa thu hoạch kiệu còn căng hơn, mỗi ngày chỉ ngủ 2, 3 tiếng đồng hồ. Như vậy mới mong kiếm thêm đồng tiền để dành lo Tết được.
Ông Phạm Văn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cho biết, kiệu là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết, nhưng để làm ra củ kiệu, người nông dân phải tốn rất nhiều công chăm sóc. Điều kiện thời tiết thuận lợi kiệu được mùa thì lại bị ép giá, còn thời tiết trắc trở thì hư hại. Vì vậy, người trồng kiệu chẳng khác gì "đánh cược với trời".
Đ.SƯƠNG-B.HÒA