(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng cuối năm, là mốc thời gian để các ngân hàng thu hồi nợ, đáo hạn nợ nên dư nợ thường hạ thấp so với mức bình thường. Đây cũng là thời điểm mà các ngân hàng tung ra các gói tín dụng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chủ động lựa chọn gói tín dụng chuẩn bị nguồn vốn đầu tư cho năm sau.
Theo thông tin từ một số Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, thời điểm trung tuần tháng 9, hoạt động tín dụng có số dư nợ thấp hơn huy động. Kết quả này là do Nghị định 24 đã siết chặt thị trường vàng ổn định, thị trường bất động sản, kinh doanh cũng trầm lắng nên số tiền nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức chưa có hướng đầu tư nên tập trung “trú ẩn” ở các ngân hàng.
Bên cạnh cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng hướng nguồn vốn về nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân phát triển kinh tế. |
Ông Nguyễn Hữu Thành – Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: Ngân hàng luôn thực hiện các chính sách đầu tư tín dụng, linh hoạt hạ lãi suất cho vay như các Thông tư hướng dẫn. Mức cho vay luôn dao động từ 6 – 8,5%/năm. Nhờ vậy, nên nguồn vốn dư nợ đến tháng 9 đạt trên 900 tỷ đồng, huy động tăng lên 950 tỷ đồng. Con số chênh lệch không nhiều nhưng cùng với chính sách của các doanh nghiệp trả vốn để chuẩn bị đầu tư, Ngân hàng cũng soát xét, sắp xếp đẩy mạnh các gói tín dụng cho vay mới. Ngân hàng sẽ đầu tư trọng tâm ở 3 lĩnh vực doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. Những tháng cuối năm, Ngân hàng sẽ dành gói cho vay mua ô tô, sửa chữa nhà, đầu tư kinh doanh...
Dù mới hoạt động, nhưng Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Quảng Ngãi cũng đã nắm được thị phần kinh doanh tín dụng trên thị trường Quảng Ngãi. Ông Trần Vũ Ban – Giám đốc Ngân hàng cho hay: Đến tháng 9, Ngân hàng chỉ cho vay được trên 65 tỷ đồng, nhưng huy động đạt trên 190 tỷ đồng. Để đưa dòng vốn ra thị trường, những tháng cuối năm ngân hàng đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể. Trong tổng số gói tín dụng mà hệ thống Ngân hàng HDBank dành khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư dịp cuối năm, thì Ngân hàng HDBank – Chi nhánh Quảng Ngãi dành 100 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, sửa chữa nhà ở, mua ô tô, đầu tư cho hộ kinh doanh buôn bán cuối năm. Đặc biệt, Ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với các xã vừa đạt tiêu chí nông thôn mới, đầu tư cho các vùng quy hoạch trồng cây nguyên liệu, rau an toàn.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi nhánh Quảng Ngãi đã tập trung cho vay các gói tín dụng ưu đãi nhưng đến tháng 9, tổng dư nợ mà Ngân hàng cho vay chỉ đạt trên 4.900 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2014, đạt 96% kế hoạch. Trong khi đó, huy động trên 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng đạt trên 13,5%, đạt trên 102% kế hoạch năm. Đặc thù kinh doanh của Ngân hàng này là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng do nguồn huy động quá lớn, dư nợ giảm nên những tháng cuối năm dù không phải là mùa vụ nhưng bằng nhiều chính sách, Ngân hàng cũng đẩy mạnh chiến lược kinh doanh để đạt chỉ tiêu..
Ngân hàng sẽ tập trung vào các lĩnh vực cho vay đóng tàu thuyền theo Nghị định 67... Đặc biệt, đây là thời điểm ngân hàng triển khai quyết liệt Nghị định 55 của Chính phủ về cho vay đối tượng nông nghiệp, nông thôn, nông dân thay cho Nghị định 41. Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: “Việc triển khai các gói tín dụng cho giai đoạn cuối năm đã được Ngân hàng lên “kịch bản” từ trước, vì nhu cầu vốn giai đoạn cuối năm khá cao. Tuy nhiên, để đồng vốn không rơi vào nợ xấu, ngân hàng cũng phải thẩm định hồ sơ cho vay kỹ càng, chặt chẽ...
Để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng dư nợ đạt chỉ tiêu, các ngân hàng trong tỉnh đều xác định đẩy mạnh cho vay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Tuy vậy, để nguồn vốn lưu thông ra thị trường đòi hỏi sự nỗ lực, nhanh nhạy và vững vàng của mỗi ngân hàng khá lớn. Như thế nguồn vốn mới đầu tư kịp thời cho những dự án sản xuất - kinh doanh, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.
Bài, ảnh: MAI HẠ