(Báo Quảng Ngãi)- Ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm mưa to, gió mạnh vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau trong tỉnh bị dập nát, hư hỏng. Người trồng rau vì thế cũng phập phồng, lo lắng khi quyết định xuống giống rau vụ đông, bởi mùa mưa bão đã bắt đầu...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy không bị cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp, nhưng với lượng mưa lớn, kèm gió giật mạnh cũng đã khiến nhiều diện tích rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) bị dập nát, hư hỏng. “Đám rau cải xanh mướt, tôi chưa kịp cắt bán đã bị mưa dập cho tơi tả. Giờ chỉ có nhổ bỏ rồi làm đất xuống giống khác”, ông Lê Dũng, thôn 6, xã Nghĩa Dũng nói. Còn ông Lê Công Tránh, thôn 6 cũng rầu rĩ khi nhìn đám cải thìa bị mưa dập đến héo lá, mục cây.
Rau mã đề, một trong các loại rau mang lại thu nhập cao cho nông dân Đức Thạnh vì dễ làm, lại chịu mưa gió. |
Cùng với ông Dũng, ông Tránh, nhiều hộ trồng rau ở đây cũng kém vui vì miếng cơm manh áo bỗng dưng bị hạn hán, mưa bão phá tan nát. Hẳn thế nên những ngày này, đồng rau Nghĩa Dũng tuy đông đúc người cắt rau, dọn cỏ, làm đất... nhưng dường như họ đều đượm buồn, lo lắng. Điều này theo ông Lê Công Tránh, là vì đồng rau Nghĩa Dũng phần lớn được bà con trồng la ghim. Mà loại rau này thì chỉ cần mưa to là bị dập nát, thối lá. Thế nên cứ đến mùa mưa bão, người trồng rau lại phập phồng, lo lắng với chuyện rau “bán không được mà ăn cũng chẳng hết”.
Còn tại “vựa” rau thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), người dân cũng đang hối hả dọn đồng xuống giống vụ đông. Ngoài la ghim, bà con tập trung trồng một số loại quả như khổ qua, đu đủ, dưa leo, đậu cô-ve, ớt... Dù biết những loại rau quả trên dễ bị hư hỏng do ngập úng, ngã đổ nhưng vì được giá nên người trồng rau vẫn quyết định thử vận may. Hơn nữa, theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Nghĩa Lập thì: “Vụ đông năm n0goái thời tiết thuận lợi, ít mưa bão, người trồng rau chúng tôi cũng vui vì trúng mùa được giá. Hy vọng vụ này cũng được trời thương như thế”.
Trái với Nghĩa Dũng, Đức Hiệp, nhiều người trồng rau ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) lại không chọn la ghim mà tập trung sản xuất 3 loại rau chịu mưa là rau má, rau mã đề và các loại cà tím, cà trắng. “La ghim dễ bị hư hỏng, mà đất ở đây cũng không hợp với nó. Hơn nữa ở các nơi người ta trồng la ghim nhiều rồi, chúng tôi mà làm e lại khó bán”, chị Trần Thị Hồng, thôn Lương Nông Nam lý giải. Với tính toán này nên chị Hồng dành toàn bộ 2 sào đất vườn để trồng rau mã đề.
Theo tiết lộ của chị Hồng thì chỉ chừng ấy diện tích rau, nhưng vụ đông năm nào chị cũng thu không dưới 5 triệu đồng. Đã thế, cứ khoảng cuối tháng 10 là bạn hàng ở các chợ Thi Phổ, thị trấn Mộ Đức lại tranh nhau lấy hàng, nên chị Hồng cũng như nông dân nơi đây không phải thấp thỏm lo rau ế. Cùng với chị Hồng thì những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở thôn Lương Nông Nam rất phấn khởi vì các loại rau của họ chưa gặp cảnh “được mùa rớt giá” hay bị bạn hàng chèn ép.
Quả thật cứ đến mùa đông, rau xanh lại rơi vào cảnh “mất mùa được giá”. Nguyên nhân là các loại rau như cải, xà lách, hẹ, tần ơ, rau muống, mồng tơi, bồ ngót… mẫn cảm với thời tiết nên dễ hư hỏng, nhất là khi gặp mưa gió. Thế nên người trồng rau trong tỉnh rất mong được các ngành chuyên môn hỗ trợ công tác xác định và lựa chọn giống, kỹ thuật xen canh, các biện pháp bảo vệ rau quả, cũng như thông tin sản xuất giữa các vùng để tránh tình trạng dư thừa sản phẩm. Được như thế thì mùa đông, người trồng rau cũng bớt khó.
Bài, ảnh: MỸ HOA