Hiệu quả từ Khu Công nghiệp Tịnh Phong

05:09, 24/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trở lại Khu công nghiệp Tịnh Phong (Sơn Tịnh) vào một ngày trung tuần tháng 9, trong sắc nắng thu vàng, tôi nhận ra một diện mạo mới khang trang ở đây. Sau 18 năm thành lập (từ năm 1997), khu công nghiệp (KCN) này đã giải quyết việc làm cho gần chục nghìn lao động, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và ngân sách tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

KCN Tịnh Phong có diện tích quy hoạch 140,72ha, nằm ven Quốc lộ 1 và cách trung tâm TP. Quảng Ngãi 7km về phía bắc, cách KKT Dung Quất và sân bay Chu Lai chừng 20km về phía nam.

 Diện mạo mới

Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước nên cơ sở hạ tầng ở KCN này từng bước được hoàn thiện. Tính đến nay, KCN Tịnh Phong được đầu tư hơn 172 tỷ đồng, riêng trong năm 2015 được bố trí 32,5 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Hiện nay, KCN có nguồn điện lưới quốc gia 110kV được lắp trạm đến chân hàng rào các nhà máy. Hệ thống nước sạch được cung cấp đến từng doanh nghiệp. Các tuyến đường nội bộ trong KCN đã xây dựng hoàn thành. Riêng tuyến đường số 3 đang được đầu tư, hiện Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) đang san nền, tạo mặt bằng sạch để cấp cho nhà đầu tư. Đến nay, KCN Tịnh Phong đã thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đồ gỗ xuất khẩu, điện tử, da giày, dệt may, vật liệu tổng hợp, các ngành công nghiệp phụ trợ... Tỷ lệ lấp đầy tại KCN này đạt khoảng 78%.

Công ty Điện tử Foster Quảng Ngãi giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động.                  Ảnh: H.HÀ
Công ty Điện tử Foster Quảng Ngãi giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động. Ảnh: H.HÀ


Cùng với sự phát triển của KCN Tịnh Phong, kinh tế - xã hội của xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cũng đã có những bước tiến đáng kể, nhất là khu vực lân cận KCN. Những ngôi nhà cấp 4 xập xệ trước đây, nay đã được thay bằng nhiều nhà cao tầng khang trang. Hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ, quán ăn, nhà nghỉ... “mọc” lên, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho xã Tịnh Phong.
 

Đến nay, KCN Tịnh Phong đã thu hút 43 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký đầu tư hơn 58,5 triệu USD). Hằng năm, doanh nghiệp trong KCN tạo ra giá trị sản xuất hơn 400 tỷ đồng, doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng; xuất khẩu khoảng 40 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước hơn 45 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương.

Hiệu quả thấy rõ

Ông Phạm Xuân Vinh- Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, KCN Tịnh Phong đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Điển hình là Công ty TNHH Điện tử Foster Quảng Ngãi. Doanh nghiệp FDI này đã giải quyết việc làm cho 2.545 lao động, với thu nhập bình quân hằng tháng trên 7 triệu đồng/người. Hay như Công ty Giày Rieker giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đều quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động bằng việc hỗ trợ tiền đi lại, ăn giữa ca; hằng năm tổ chức ngày hội công nhân quy mô lớn...

Việc thu hút các dự án FDI góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào tỉnh, phát triển một số ngành kinh tế chủ lực của địa phương như sản xuất linh phụ kiện điện tử, giày da... Đặc biệt, sau khi Tập đoàn Foster Nhật Bản đầu tư vào KCN Tịnh Phong đã kéo theo một số dự án cùng lĩnh vực đăng ký đầu tư vào các KCN của tỉnh. Tại KCN Tịnh Phong hiện đã thu hút được 2 dự án sản xuất giày của Công ty Giày Rieker Việt Nam; 2 dự án sản xuất linh phụ kiện điện tử của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, 2 dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê của Tập đoàn Kizuna. “Nhiều nhà đầu tư rất yên tâm, tin tưởng chọn KCN Tịnh Phong để đầu tư sản xuất, kinh doanh, bởi tình hình an ninh trật tự ở đây rất đảm bảo. Quá trình đầu tư, xây dựng của họ không bị mất cắp vặt, hay gặp khó khăn trở ngại gì...”, ông Phạm Xuân Vinh khẳng định.

Ông Vinh cho biết thêm, những năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, công khai về chủ trương chính sách, làm cơ sở cho các nhà đầu tư yên tâm khi quyết định đầu tư vào KCN. Đáng chú ý là tại đây đã thành lập tổ đặc trách thực hiện tiếp nhận, xử lý và giao trả hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa- liên thông”; định kỳ hằng năm tổ chức đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

 Một hiệu quả nữa từ KCN Tịnh Phong là các loại hình kinh doanh dịch vụ ở địa phương đã phát triển rầm rộ. Anh Cao Văn Thành - Trưởng Công an xã Tịnh Phong cho biết: Ở xã hiện có 73 nhà trọ phục vụ công nhân, 27 quán ăn, 9 dịch vụ giải trí; 19 cửa hàng tạp hóa. Riêng số lao động của xã làm bảo vệ, công nhân của các nhà máy, xí nghiệp khoảng 850 người. Những con số ấy cho thấy, KCN đóng trên địa bàn xã đã góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Vẫn còn trăn trở


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư vào KCN Tịnh Phong vẫn còn gặp khó khăn. Trong khi Ban Quản lý các KCN tỉnh được giao nhiệm vụ thu hút, cấp giấy chứng nhận đầu tư, còn QISC được UBND tỉnh ủy quyền cho doanh nghiệp thuê lại đất; đầu tư phát triển hạ tầng các KCN (Tịnh Phong, Quảng Phú), dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng và nhiệm vụ thu hút đầu tư phát triển không đồng bộ; đầu tư thiếu trọng điểm. Điều này đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại các KCN, do nhà đầu tư phải thông qua hai đầu mối mới được vào KCN. Ngoài ra, doanh nghiệp trong KCN Tịnh Phong đang gặp khó khăn trong việc xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, do KCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

 

PHẠM DANH

 


.