(Báo Quảng Ngãi)- Trồng và kinh doanh cây cảnh là hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng. Tuy nhiên, vì thiếu quy hoạch, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, nên hiện nay nhiều nhà vườn cây cảnh trên địa bàn Quảng Ngãi đang rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, vì cây đầy vườn mà không có người hỏi mua.
Chạy theo phong trào
Địa bàn TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành... được xem là “thủ phủ” của các loại cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh đã tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Theo chủ nhiều nhà vườn, vào thời điểm cuối năm 2011 đến giữa năm 2012, cây cảnh như sanh, lộc vừng… đột nhiên lên giá. Nhiều nhà vườn chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư sốt sắng trồng và mua bán cây cảnh các loại. Rất nhiều loại cây như sanh, lộc vừng mọc tự nhiên giữa rừng không nét thẩm mỹ, nhưng được thương lái thu mua với giá cao chưa từng thấy. Nhiều người dân đổ xô đi lùng sục khắp các cánh rừng triệt hạ cả gốc lẫn nhánh để về bán cho thương lái, khiến môi trường sinh thái bị tàn phá.
Cây cảnh chết khô vì thiếu sự chăm sóc và không có người mua. |
Chỉ vào vườn cây sanh cành lá mọc tua tủa trong vườn, ông Trần Văn Tùng, ngụ thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) tiếc rẻ: “Hồi năm 2011, thấy nhiều người đổ xô trồng cây cảnh, bán được với giá khá cao, mình cũng vào rừng cưa được rất nhiều gốc, nhánh cây sanh, đồng thời mua lại của người dân mang trồng khắp vườn. Ban đầu cũng có người hỏi mua, mình chỉ bán một ít, còn để lại chờ giá tiếp tục tăng. Ai dè chỉ một thời gian ngắn, giá cây cảnh “tuột dốc không phanh”, không có ai hỏi mua cây cảnh nữa”.
Trường hợp của ông Tùng không phải là duy nhất. Rất nhiều nhà vườn vào thời điểm đó, thấy cây cảnh “sốt” giá đã không ngần ngại đầu tư tiền của trồng, kinh doanh cây cảnh. Tuy nhiên, số người kiếm được lãi thì ít, mà thua lỗ thì nhiều. Ông Trần Hoài Hải, một nhà vườn trồng cây cảnh tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết: “Chỉ một số ít nhà vườn là “trúng” lớn vào thời điểm đó vì bán được giá cao. Còn phần nhiều thua lỗ nặng vì đã trót đầu tư thu mua, trồng cây cảnh, nhưng cho đến bây giờ vẫn bí đầu ra. Dẫu biết lời lỗ trong kinh doanh là quy luật tất yếu, nhưng giá cả liên tục “nhảy múa” khiến nhà vườn chuyên nghiệp như tụi tôi cũng chẳng biết đâu mà tính, không hiểu vì sao lại xảy ra tình trạng bất thường như vậy”.
Chiêu bài của thương lái?
Nhiều nhà vườn có thâm niên cho biết, cây cảnh đội giá trong một thời gian ngắn rồi “lao dốc” như vậy là do chiêu bài đã được tính toán từ trước của các thương lái nước ngoài. Theo đó, họ tung tin đồn thị trường Trung Quốc, Đài Loan... đang rất cần các loại cây cảnh như sanh, lộc vừng. Sau khi thao túng thị trường, tạo ra giá ảo, đẩy giá cây cảnh lên cao, lúc này các thương lái nước ngoài tiến hành thu mua, họ sẽ gom số cây cảnh mà họ mua được rồi bán lại cho các thương lái Việt Nam với giá cao, sau đó đột ngột ngừng thu mua. Người bị thiệt chính là những thương lái hám lợi mua lại số cây của thương lái nước ngoài, mà trước đó chính họ đã bán đi, để rồi không biết tiêu thụ đi đâu. Những cây cảnh có giá từ vài trăm đến hàng trăm triệu đồng trở nên vô giá trị trong một thời gian ngắn.
Đó là cách giải thích của nhiều nhà vườn, còn theo ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, kiêm Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh, sở dĩ thị trường cây cảnh “bí” đầu ra, khiến nhiều nhà vườn lao đao là vì trong những năm gần đây tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua và thưởng ngoạn cây cảnh giảm xuống. Một cây cảnh có giá trị cao phải có hai yếu tố là lâu năm và có tính thẩm mỹ. Rất nhiều nhà vườn hiện nay trồng sanh, lộc vừng đang “bí” đầu ra cho sản phẩm của mình thì tốt nhất nên chuyển sang kinh doanh các loại cây cảnh truyền thống có giá bán ổn định như mai, đào, vốn ổn định về đầu ra”.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN