Nỗi niềm vụ lúa hè thu

03:08, 25/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận mưa giông kèm gió lớn xảy ra vào chiều 11.8 và 22.8 khiến hàng loạt diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh bị ngã đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa mà còn gây khó khăn cho nông dân trong việc thu hoạch…  

TIN LIÊN QUAN

Nhìn đám lúa 2 sào bị đổ nằm la liệt, lão nông Sáu Hùng ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) than thở: “Lúa còn xanh mà ngã kiểu này thì chắc toàn lép với dé!...”. Bởi theo lão nông Sáu Hùng, lẽ ra nếu thời tiết thuận lợi thì 10 ngày nữa, trà chính lúa hè thu mới bước vào giai đoạn thu hoạch. Nhưng trận mưa giông kèm gió lớn vào tối 11.8 đã khiến đám lúa thơm đang chắc hạt nhà ông, cũng như hơn 100ha lúa của nông dân xã Tịnh Bình bị ngã đổ. Thế nên, dù lúa chưa kịp chín vàng nhưng bà con cũng phải bấm bụng thu hoạch sớm, bởi sợ gặp trận mưa nữa là không thu hoạch được.

Lúa ngã đổ làm giảm năng suất và gây khó khăn trong việc thu hoạch.
Lúa ngã đổ làm giảm năng suất và gây khó khăn trong việc thu hoạch.


Còn bà Nguyễn Thị Tiên, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng thẫn thờ khi trông thấy đám lúa 1,5 sào bị gió quật ngã như trải thảm. Không thẫn thờ sao được khi đám lúa vốn xanh tốt, bông chắc trĩu hạt hứa hẹn sẽ mang đến cho bà 12 - 13 bao lúa. “Ai ngờ trời mưa lại có gió to nên nó ngã sắp lớp. Chắc chỉ còn 7 – 8  bao là cùng”, bà Tiên thở dài.    

May mắn hơn ông Sáu Hùng, bà Tiên, hai đám lúa hơn 3 sào của ông Trần Siêng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) bị ngã đổ khi đã chín vàng nên năng suất dù sụt giảm cũng không đáng kể. Nhưng vấn đề nan giải là ông Siêng không tìm đâu ra người để thuê gặt giúp. Lý do là lâu nay, việc thu hoạch lúa do máy gặt đập liên hợp đảm nhận vì vừa nhanh lại rẻ, chỉ với thời gian 30 phút và chi phí 170.000  - 200.000 đồng/sào. Có điều, đó là khi lúa đứng hoặc ngã nhẹ, chứ nó đổ nằm dính mặt ruộng thì máy gặt đập liên hợp cũng chẳng thực hiện được. Nông dân vì thế phải cắt, suốt bằng tay nên tốn rất nhiều chi phí cũng như công lao động. Bởi hiện giờ, ngày công giá 120.000 - 150.000 đồng. Một sào lúa cần ít nhất 4 - 5 công, nghĩa là chi phí thu hoạch một sào lúa lên đến 500.000 - 600.000 đồng, chưa kể công nhà. “Tốn kém thế mà cũng chẳng có người để thuê vì trai trẻ họ đi làm ăn xa hết rồi. Vợ chồng tôi đành túc tắc làm dần 3 ngày mới xong một sào lúa”, ông Siêng cho hay.

Hiện nông dân trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn đang điêu đứng vì lúa ngã đổ do hai trận mưa giông kèm gió lớn xảy ra vừa qua. Dù các địa phương chưa thống kê cụ thể mức độ thiệt hại, nhưng chắc chắn, năng suất, chất lượng lúa đã bị ảnh hưởng; còn chi phí thu hoạch vì thế cũng tăng cao. Điều này theo bà con nông dân trong tỉnh là “rất đáng tiếc”. Bởi trải qua rất nhiều nỗ lực, cố gắng, từ việc sẵn sàng chống hạn cứu lúa, đến triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó diệt trừ sâu bệnh – đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng kịp thời, nông dân cứ ngỡ sẽ có một vụ hè thu thắng lớn. “Không ngờ chỉ một trận gió lớn kéo dài vài phút là mỗi sào lúa mất ít nhất 1 – 2 bao, thậm chí một nửa so với vụ hè thu năm 2014. Còn nông dân chúng tôi thì thêm công gặt, cực công phơi”, bà Lê Thị Tuyết, xã Bình Dương (Bình Sơn) nói.  

Dẫu biết những rủi ro trên là khách quan, nhưng điều này cũng đặt ra cho ngành nông nghiệp những vấn đề cần giải quyết, nhất là việc nghiên cứu, chọn tạo những loại giống chất lượng, ngắn ngày, có khả năng chịu được các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
    

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.