(Báo Quảng Ngãi)- Tây Trà là huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn do địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi. Dù thế, nhìn lại chặng đường 5 năm cùng người dân tuyển chọn, thử nghiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tây Trà đã đạt nhiều thành tựu. Đó là tiền đề hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trên vùng đất khó…
Mạnh dạn thử nghiệm
Mùa này, cây cối ở Tây Trà như xanh hơn bởi những cơn mưa giông bắt đầu xuất hiện đều đặn. Thong dong trên những con đường nhựa uốn ượn trên những sườn đồi về xã Trà Xinh, Trà Lãnh, Trà Trung, phóng tầm mắt nhìn về phía chân đồi thoai thoải, thấy một màu xanh mượt của mì, keo, bắp, lúa đang thì con gái mới cảm nhận hết được sự đổi thay của quê hương vùng cao gian khó này.
Đồng bào Cor Tây Trà thu hoạch quế. |
Anh Phạm Văn Hiền – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà, cho biết: “Người dân còn khổ, nhưng giờ không còn đói kiệt như trước. Nhiều nhà đã biết canh tác theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, khai hoang trồng lúa nước để đảm bảo có gạo ăn, còn trồng keo, trồng mì để có khoản thu nhập kha khá lo làm nhà, mua xe, cho con ăn học. Cũng mừng là đồng bào Cor bây giờ tiến bộ nhiều rồi, chăm chỉ, siêng năng làm ruộng, rẫy hơn trước”.
Tạo được sự chuyển biến trong nhân dân về ý thức phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ngành nông nghiệp Tây Trà đã phải rất vất vả. Các cán bộ phải xuống tận cơ sở khảo sát thực tế, xây dựng mô hình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật. Lấy năng suất, sản lượng, hiệu quả của mô hình thuyết phục người dân học và làm theo. Những mô hình khuyến nông thử nghiệm ở Tây Trà mặc dù cho đến nay chưa phải là tạo ra đột phá mạnh mẽ, nhưng nhiều mô hình sau thí điểm đã phát huy hiệu quả, khẳng định là “cây giảm nghèo”; điển hình như cây chuối trên đất đồi, cây keo, mì trên đất dốc...
Để giúp người dân có cơ hội thoát nghèo khi dựa vào những loại cây trồng trên, huyện Tây Trà đã chọn cây giống chất lượng, tập huấn kỹ thuật canh tác kỹ lưỡng trước khi xuống giống. Những rừng keo thí điểm đầu tiên, những đồi chuối mật, những rẫy mì cao sản cho thu hoạch… đã xóa đi suy nghĩ “đất Tây Trà chỉ có cây dại, cây đót là sống được!”.
Tây Trà xác định thế mạnh kinh tế là nông - lâm nghiệp, nhưng phải chọn cây lâm nghiệp có giá trị, giúp người dân nghèo có cơ hội thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống. Vì thế, năm 2013, huyện đã tích cực phối hợp với Công ty Cao su Quảng Ngãi đưa cây cao su về trồng thử nghiệm trên đất Trà Khê. Với 170ha ban đầu, sau hơn hai năm bén rễ trên đất dốc, cây cao su Trà Khê đã lên khá cao, sinh trưởng phát triển tốt. “Chưa thể khẳng định hiệu quả kinh tế vào lúc này, nhưng với tốc độ phát triển của cao su như hiện nay, có quyền hy vọng về khả năng thích ứng của loại cây trồng này trên đất Tây Trà. Vấn đề còn lại là đầu ra khi cây cao su cho thu hoạch” – ông Phạm Văn Hiền - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà nói.
Chú trọng cây truyền thống
Mạnh dạn thử nghiệm cây trồng mới, nhưng huyện Tây Trà cũng chú trọng khai thác thế mạnh của cây trồng bản địa, truyền thống có giá trị kinh tế, được người dân canh tác bao đời nay. Đó là cây chè Trà Nham; cây quế Trà Lãnh, Trà Trung, Trà Phong. Với hai loại cây trồng này, Tây Trà đã khẳng định vị thế vượt trội về chất lượng với sản phẩm nông sản cùng loại.
Ở thôn Trà Cương, xã vùng cao Trà Nham, gia đình ông Hồ Văn Sinh là hộ có diện tích chè khá lớn. Ông Sinh kể về những dự định của gia đình mình khi mở rộng diện tích cây chè xanh Trà Nham. Ông bảo: “Chỉ ngại đường xa thôi, chứ chè xanh ở đây mà mang xuống đồng bằng bán thì chắc chạy lắm. Chè xanh xứ này thơm ngon có tiếng mà!”. Cây chè xanh Trà Nham vừa rồi đã được Hội Nông dân Tây Trà đưa xuống tham gia Festival nông nghiệp và làng nghề miền Trung tổ chức tại TP.Quảng Ngãi. Tại đây chè được bán với giá 5.000 đồng/bó. Người tiêu dùng trong tỉnh chọn mua rất hào hứng.
Tại xã Trà Lãnh – dải đất giáp ranh với huyện Trà Bồng, hiện cây trồng truyền thống nổi tiếng “quế Trà Bồng” đang hiện diện khá nhiều ở nơi đây. Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng không khác gì mấy so với đất Trà Bồng nên cây quế Trà Lãnh sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng, chất lượng vỏ quế khá cao. Giá bán những năm gần đây ổn định nên người trồng quế không ngừng mở rộng diện tích. Huyện Tây Trà đã đưa cây quế giống vào trong danh mục cấp hỗ trợ hàng năm cho nông dân, nhằm tạo điều kiện để người dân gìn giữ và phát huy cây trồng truyền thống này, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện tại Tây Trà có 1.200ha quế đang kỳ thu hoạch, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Ở vùng cao Tây Trà, diện tích cây lúa nước những năm gần đây bị thu hẹp do phải nhường đất để thực hiện một số dự án, công trình lớn. Tuy nhiên, sản lượng hằng năm giảm không đáng kể so với trước đây, do bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ canh tác “chay” nay người dân đã biết bón phân, nhổ cỏ, dặm lúa, cung cấp đủ nước cho lúa sinh trưởng, phát triển. Với nông dân vùng cao Tây Trà đó là một tiến bộ vượt bậc, là thành tựu đáng kể của ngành nông nghiệp huyện nhà.
Bài, ảnh: THANH NHỊ