Đìu hiu bến cá

06:08, 18/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không sầm uất như các cảng biển lớn song bến cá Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) từng là nơi mưu sinh của biết bao dân nghèo ở làng chài nhờ việc phát triển hậu cần nghề cá. Thế nhưng, kể từ ngày những con tàu không về bến được, làng chài trở nên vắng vẻ, đìu hiu.

TIN LIÊN QUAN

Tháng Tám, biển yên. Đây là thời điểm tàu thuyền tăng chuyến đánh bắt trước khi bước vào mùa mưa bão. Chừng này mấy năm trước, bến cảng Nghĩa Phú nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền ra vào bến. Còn năm nay, làng chài trở nên im ắng, lạ thường.

Tàu thuyền không về được bến cá, ông Ngọc phải chào bán máy tiện để tránh thiệt hại.
Tàu thuyền không về được bến cá, ông Ngọc phải chào bán máy tiện để tránh thiệt hại.


Ông Đặng Văn Ngọc, ở thôn Làng Cá, xã Nghĩa Phú đứng tựa cửa nhìn ra biển vẻ bất lực: “Giờ đâu biết làm gì nữa, tàu thuyền không về bến thì mọi dịch vụ ăn theo cũng đứng im”. Ông Ngọc vốn làm thợ tiện máy tàu kiêm buôn bán các phụ tùng máy móc đã hơn 50 năm.  Nhà ở bên bến cảng nên ngày nào ông cũng tất bật. Lúc đầu chỉ mình ông và vợ phụ giúp, càng về sau, tàu thuyền càng phát triển, nhu cầu sửa chữa tàu càng tăng, ông phải thuê thêm nhân công và mua hai máy tiện để đáp ứng yêu cầu cho khách.

Trước đây, cứ mở cửa ra là khách đến tấp nập, người mua dây neo, dây kéo, tời…để kéo tàu, người bảo tiện, sửa chân vịt, máy móc. Sáu con người ở cửa tiệm của ông làm từ sáng đến tối nhưng vẫn không hết việc. “Còn giờ thì… bến cá vắng những con tàu. Nhu cầu sửa chữa máy móc thiết bị trên tàu cũng không còn”-ông Ngọc buồn bã.

Ở khu vực bến cá Nghĩa Phú còn có hàng chục cửa tiệm bán phụ tùng máy  tàu như ông Ngọc hiện cũng trong tình trạng ngừng hoạt động.  Các cửa tiệm lớn bán đồ cơ khí tàu của  ông  Định, ông Minh, ông Kính… giờ cũng dần dẹp tiệm, kêu bán hoặc thu nhỏ cửa tiệm.

Tương tự, các nhà máy chế biến đá lạnh để cung cấp cho tàu đánh bắt khơi xa cũng rơi vào cảnh ngưng đọng như dịch vụ cơ khí. Ông Lê Quang Tri, người chuyên cung cấp đá lạnh cho khoảng 37 tàu cá đã hơn 10 năm nay, nhẩm tính, trước đây, tàu thuyền về bến, mỗi ngày ông sản xuất và cung cấp khoảng 15 tấn đá cây cho các tàu. Có hôm tàu thuyền về tấp nập, ông phải lấy thêm ở các cơ sở khác khoảng 15 tấn nữa để bán cho các tàu ngoài xã.

Thế nhưng, hơn 2 năm nay, tàu thuyền không về bến cá Nghĩa Phú, cơ sở chế biến đá lạnh của ông Tri cũng đã ngưng hoạt động. Cứ mỗi ngày đi qua, ông lại lo lắng cho dàn máy chế biến đá lạnh bạc tỷ của mình nằm “chết chìm” trong nước mặn. Trong mùa biển này, ông đành phải dỡ bán phế liệu được hơn 90 triệu đồng. Ông Tri bảo, kể từ ngày bán máy sản xuất đá lạnh, cuộc sống gần như đảo lộn. Nơi đây không đất, không ruộng vườn, nên cũng chưa ai  biết cách gì để mưu sinh.  Các quán ăn, dịch vụ cung cấp lương thực gạo, bình gas, dầu máy… cung cấp cho tàu ở bến cá này cũng ngưng hoạt động.

Theo ông Đỗ Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) thì toàn xã có khoảng 900 con tàu. Mỗi khi tàu cập bến để chuyển hải sản đi nơi khác hay lấy nhiên, nguyên liệu ra khơi trở lại đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở phía bờ. Giờ, tàu thuyền không về bến đã kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là nhiều lao động mất việc làm dẫn đến các tệ nạn cờ bạc, mở các dịch vụ cho vay nóng rồi vỡ nợ, bán nhà…

Theo nhiều ngư dân ở Nghĩa An và Nghĩa Phú thì bến cá vắng lặng, đìu hiu là do cửa biển bồi lấp. Ngư dân nơi này đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên tỉnh chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Một mùa mưa bão nữa sắp về, ngư dân phía đông TP. Quảng Ngãi rất mong các cấp quan tâm nạo vét cửa biển Cổ Lũy để tàu thuyền về bến neo trú an toàn, nhằm tránh thiệt đơn, thiệt kép.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.