Xây hồ nuôi tôm giữa rừng dương

10:07, 08/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Diện tích rừng phòng hộ bờ biển hiện nay còn rất ít. Thế nhưng, không những không đầu tư trồng thêm rừng để tăng diện tích rừng chắn cát mà địa phương đã kiến nghị cấp phép cho một số đơn vị phá rừng dương liễu  xây hồ nuôi tôm.
 

TIN LIÊN QUAN


Phá “lá chắn” để nuôi tôm!

Hai bên con đường bê tông dẫn ra thôn Châu Bình, Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn), là những rừng dương xanh ngút ngàn rì rào trong gió biển. Theo người dân ở đây, rừng dương liễu được xem là “thần hộ mệnh” của làng vì có tác dụng trong chắn cát bay, bảo vệ làng.

Thế nhưng, cách khu dân cư khoảng 500m là hình ảnh hết sức bất ngờ khi mà một vạt rừng dương liễu rộng đến gần 10ha đã bị san bằng chỉ còn lại trảng cát trắng. Giữa khu đất là vài hồ nuôi tôm đã xây dựng xong, bắt đầu thả tôm giống.

Dọc con đường đất mới mở dẫn vào khu vực nuôi tôm là những cây dương liễu bật gốc, hay gốc dương khô cháy sau thời gian dài bị “bứng” lên khỏi mặt đất. Hai bên đường hàng trụ điện mới được kéo đến tận hồ nuôi. Bao quanh khu hồ là những rừng dương rậm rạp.

Khi được hỏi về việc phá rừng dương để xây hồ nuôi tôm của HTXNN Bình Châu III, anh Tùng, trú thôn Châu Me, tỏ ra khá bức xúc. Anh cho rằng, làm như vậy là không tốt và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, vì vùng đất này trồng được cây xanh là rất khó.  Người dân ở đây cho biết, toàn bộ khu đất trên trước đây là rừng dương liễu. Họ đã trồng để phát triển kinh tế và cũng là để ngăn cát bay. Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu, những cánh rừng trên trồng được hơn 10 năm và là rừng sản xuất nên được UBND tỉnh cho HTXNN Bình Châu III thuê để nuôi tôm. “Dự án được cấp phép từ năm 2013 và đến năm 2014 đơn vị thuê đất mới kêu gọi Công ty Phước Sương (ở Mộ Đức) đầu tư và tiến hành san ủi, dọn mặt bằng. Khu vực này trước đây người dân trồng rau màu nhưng không hiệu quả nên sau đó chuyển sang trồng dương liễu”, ông Vương cho hay.

 

Những hồ tôm đầu tiên đã hình thành giữa rừng dương.
Những hồ tôm đầu tiên đã hình thành giữa rừng dương.

Cũng theo ông Vương, với đặc thù là xã ven biển và có địa thế thuận lợi để nuôi tôm nên việc có đơn vị thuê đất để nuôi tôm sẽ góp phần tạo ra những mô hình mới về phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, ông Vương cũng thừa nhận, rừng dương phòng hộ trên địa bàn xã hiện chỉ còn khoảng 20ha và diện tích còn lại chủ yếu là rừng sản xuất. “Rừng phòng hộ là theo quy định của pháp luật chứ không phải rừng nào cũng quy hoạch vào rừng phòng hộ được”- ông Vương nói.

Nỗi lo

Trong hợp đồng thuê đất giữa hai bên cho thấy, khu vực trên chỉ cho thuê tạm thời và khi Nhà nước có quyết định thu hồi thì HTXNN Bình Châu III phải tự tháo dỡ công trình và không được bồi thường các chi phí đầu tư vào đất. Điều này cho thấy, vùng đất trên không nằm trong quy hoạch vùng nuôi tôm của tỉnh. Một điểm khác nữa là, vùng đất trên được quy hoạch để một doanh nghiệp vào đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển. Hồ nuôi nằm trên một ngọn đồi, cách bờ biển chừng 400m có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi vì nguồn nước thải sẽ xả thẳng ra biển.

“Ở các địa phương khác, khi người ta nuôi tôm luôn có cam kết sẽ bảo vệ môi trường, nhưng có nơi nào làm được đâu. Chỉ sau vài năm nuôi tôm là bờ biển bị ô nhiễm nặng. Cái này chỉ có người nuôi tôm là lời, còn lại người dân sống quanh đây sẽ nhận lấy ô nhiễm. Một khi nguồn nước ô nhiễm thì hải sản ven bờ cũng sẽ cạn kiệt dần” – chị Thu, thôn Châu Bình nói.

Theo ông Phan Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sau khi khảo sát vùng nuôi tôm trên địa bàn hai xã Bình Phú và Bình Châu, Sở nhận thấy vùng đất này thuộc đất rừng sản xuất và có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với nuôi tôm nên đã tham mưu để UBND tỉnh đồng ý chấp thuận cho  HTXNN Bình Châu III đầu tư vùng nuôi.

Dù ngành nông nghiệp đã có những kết luận khá chi tiết, nhưng nhiều người dân ở đây tỏ ra lo lắng. Họ không chỉ lo lắng rừng dương bị phá sẽ tạo tiền lệ để những cánh rừng khác bị phá tiếp. Theo đó, sau một thời gian tổ chức nuôi nếu hiệu quả thì người dân có đất gần đó cũng sẽ phá rừng sản xuất để đào ao nuôi tôm, môi trường sẽ bị ô nhiễm. Điều này có nguy cơ tạo ra vùng dịch bệnh trên con tôm nếu không có biện pháp quản lý, xử lý, cũng như kỹ thuật chăm sóc tốt. Trong đó, hình ảnh rõ nét nhất là hàng chục hécta hồ nuôi tôm ngay đầu xã Bình Châu đã phải “treo” từ nhiều năm qua do người dân đổ xô nuôi tôm không theo khuyến cáo và không theo quy hoạch vùng nuôi.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 

.