Tín hiệu vui cho nông sản miền núi

03:07, 13/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Điều kiện đi lại khó khăn, không có doanh nghiệp nào chịu đầu tư, thu mua khiến người dân các huyện miền núi dù có nguồn nông sản dồi dào nhưng lại bị bó hẹp về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, việc mạnh dạn tham gia Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung năm 2015 tổ chức trong 7 ngày tại TP. Quảng Ngãi, các huyện miền núi đã nắm bắt được cơ hội quảng bá, tìm mối tiêu thụ nông sản cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

Tại các huyện miền núi, hướng thoát nghèo chủ yếu của người dân vẫn là trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, vai trò của chính quyền trong việc định hướng, tìm đầu ra cho nông sản đóng vai trò quyết định, giúp đồng bào miền núi giảm nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế.

Dân dã nhưng nổi bật

Tham gia Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung năm 2015, mặc dù có đến hàng trăm gian hàng trưng bày của hơn 400 doanh nghiệp đến từ các tỉnh Bình Định, Huế, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Lăk… nhưng gian hàng nông sản của Hội Nông dân các huyện Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng… vẫn nổi bật.

 

Sa nhân tím, chè Minh Long…thu hút được sự quan tâm của khách hàng tại Festival Nông nghiệp và làng nghề miền Trung 2015.
Sa nhân tím, chè Minh Long…thu hút được sự quan tâm của khách hàng tại Festival Nông nghiệp và làng nghề miền Trung 2015.


Không bán những mặt hàng xa xỉ, cầu kỳ, gian hàng trưng bày của hội nông dân các huyện miền núi Quảng Ngãi giới thiệu đến khách hàng những nông sản đặc trưng của địa phương. Huyện Minh Long mang đến hội chợ tiêu xanh trên đất gò đồi, sa nhân tím tại Long Môn và mè đen trên đất rẫy. Tây Trà “chào hàng” bằng củ mì gòn- loại “đặc sản” của vùng núi phía tây tỉnh cùng loại lúa rẫy “hai không”- không phân bón, không thuốc trừ sâu. Riêng gian hàng của Trà Bồng, các sản phẩm quế tỏa hương ngào ngạt, “níu chân” khách tham quan đến với một đặc sản đã thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước… Ớt sim sấy khô, rau ranh… cũng được Trà Bồng chủ động mang đến “trình làng”.

Ấn tượng với sự tham gia của các nông dân đến từ những huyện miền núi Quảng Ngãi, chị Trần Thị Dung, ngụ ở TP. Quảng Ngãi trầm trồ, hạt lúa rẫy màu đỏ lạ mắt, hạt mè đen trồng trên đất núi to gấp nhiều lần so với hạt mè đen thông thường… thu hút tôi một, thì quy trình trồng nó lôi cuốn tôi mười. Lúa phải 6 tháng mới chín, mè trồng trên núi cao không thuốc hóa học…thì còn gì xanh, sạch bằng.

Đến những đơn hàng “xuyên” tỉnh

 Tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng, những mặt hàng nông sản của các huyện miền núi của Quảng Ngãi đã chính thức “cháy” hàng ngay từ khi festival diễn ra được 2/3 thời gian. “Vì không dự lường trước được sức mua lại lớn như vậy, nên phần lớn hàng hóa mang đến festival đều hết hàng từ ngày 9.7. Chuối rừng, sâm núi, lúa rẫy, ớt sim… đều hết, chỉ để lại một ít để trưng bày chứ không bán”, ông Hồ Hồng Quang-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Trà phấn khởi cho biết.

“Chào hàng” tiêu xanh trên gò đồi với giá 150 nghìn đồng/kg, huyện Minh Long cũng nhanh chóng hết hàng khi festival mới diễn ra được 4 ngày. 200 bó chè xanh, 50kg lúa rẫy, 42kg sa nhân…cũng hết sạch khi festival diễn ra đến ngày thứ 5. “Rất nhiều người hỏi mua tiêu xanh, nên tôi chạy vội về nhà để mang thêm lên bán. Vừa mang đến nơi, chưa kịp đổ ra trưng bày, thì đã có khách hàng đến hỏi mua”, chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân Minh Long mang tiêu xanh đến festival kể.

Với các loại nông sản “sạch” mang đặc trưng của núi rừng, nhưng giá cả lại “phải chăng” nên Hội Nông dân Minh Long, Tây Trà… nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng tham quan hội chợ. Không chỉ quảng bá, giới thiệu được nông sản địa phương cho người dân trong tỉnh, Hội Nông dân các huyện miền núi còn tạo được dấu ấn thu hút khách hàng ngoại tỉnh. “Chúng tôi đã chốt xong danh sách đặt mua ớt sim của các khách hàng ở Đà Nẵng. Sau khi festival kết thúc, chúng tôi sẽ về đặt hàng bà con rồi chuyển hàng ra Đà Nẵng cho khách”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Trà Hồ Hồng Quang nói.

Từ những tín hiệu vui trong Festival Nông nghiệp và Làng nghề có thể thấy được nông sản miền núi Quảng Ngãi vẫn có được chỗ đứng nhất định trong muôn vàn sự lựa chọn của người tiêu dùng. Hy vọng từ “bước đà” lần này, chính quyền 6 huyện miền núi sẽ dồn sức tìm hướng liên kết, phát triển thị trường cho người dân để bức tranh “hậu festival” tiếp tục có những gam màu sáng.

Bài, ảnh: Ý Thu
 


.