(Baoquangngai.vn)- Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Song nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức để sớm hoàn thành tiêu chí này.
Xanh mà chưa sạch, đẹp
Tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới là bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn với mục tiêu cốt lõi là đưa nông thôn mới xanh- sạch- đẹp.
Tiêu chí này gồm các tiêu chí như: người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Bám sát các chỉ tiêu trên, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn và phấn đấu sớm hoàn thành tiêu chí này. Song cũng có nhiều địa phương, thậm chí là xã điểm của tỉnh vẫn thiếu quyết tâm trong việc thực hiện tiêu.
Về xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)- dấu tích một thời phố cổ nổi tiếng bên con sông Vực Hồng vẫn rợp bóng cây xanh. Trước “cơn lốc” đô thị hóa, cảnh quan làng quê Nghĩa Hòa vẫn giữ được nét đặc trưng, làng quê thanh bình, thấp thoáng ẩn hiện bên những rặng dừa, hàng tre. Diện mạo nông thôn rất mới từ những tuyến đường được bê tông thông thoáng, khang trang hơn.
Đến xã Nghĩa Hòa, đâu cũng thấy lốp xe cũ tràn từ nhà ra đường. |
Ông Nguyễn Chí Thanh- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì Nghĩa Hòa đã đạt 16 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi và môi trường.
Ở Nghĩa Hòa nhà nhà, người người tái chế lốp xe cũ. Lốp xe phế thải chất cao như núi, từ vườn nhà dân ra đường. Mỗi khi tái chế, mùi khét bốc lên ngộp thở. Đến mùa mưa, địa phương này lại trở thành điểm nóng của dịch sốt xuất huyết.
Để từng bước hoàn thiện tiêu chí môi trường, việc đầu tiên là địa phương ưu tiên quy hoạch và có kế hoạch di dời các hộ kinh doanh lốp ô tô phế thải, thu mua phế liệu vào Khu tiểu thủ công nghiệp tại Đồng Gieo, thôn Hòa Bình để đảm bảo môi trường. Dự kiến đến ngày 10.8.2015, xã sẽ hoàn thành tiêu chí này.
Cũng theo chính quyền địa phương, việc nan giải nhất là xử lý môi trường của các hộ kinh kinh doanh lốp ô tô phế thải, thu mua phế liệu; nhưng một việc rất đơn giản, không cần kinh phí là huy động nhân dân đều đặn làm sạch môi trường trong các khu dân cư chưa được chính quyền quan tâm đúng mức.
Một điều mà bất kỳ ai cũng nhận thấy là môi trường ở đây thật sự xanh, nhưng chưa sạch đẹp. Hai bên các con đường bê tông kiên cố um tùm cây xanh phủ kín cả lối đi, lá cây, rác thải ngập tràn, nước thải trong chăn nuôi được người dân đổ trực tiếp ra đường.
Rác thải không chỉ ngập tràn đường làng, ngõ xóm mà ra cả đồng ruộng. Trên các cánh đồng của xã Nghĩa Hòa nào là rác, vỏ chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt vương vãi khắp các lối đi, kênh mương. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm lớn đến môi trường nước và sức khỏe con người.
Đường quê chưa thật sự sạch đẹp. |
Hay như ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), một trong 17 xã điểm của tỉnh đăng ký về đích vào cuối năm 2015, tiêu chí môi trường dù địa phương tự đánh giá đã đạt, nhưng bằng mắt thường thôi cũng đủ thấy, môi trường chưa "ổn".
Thiếu quyết tâm!
Môi trường có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của địa phương. Các địa phương thiếu quyết tâm khi thực hiện tiêu chí này. Những tiêu chí “nặng ký” khác đã hoàn thành thì không lý gì việc chỉnh trang, dọn vệ sinh cổng ngõ, sân vườn, đường làng, ngõ xóm lại không thể thực hiện được trong khi nó không mấy tốn kém?
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã đi thị sát và làm việc với các xã đăng ký về đích trong năm 2015. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng xây dựng NTM không nhất thiết phải là phá bỏ tường rào, sân vườn cũ xây dựng lại bằng lưới B40 hay bê tông xi măng mà đơn giản chỉ là cắt tỉa, chỉnh trang lại cho gọn gàng, sạch sẽ; quét dọn, thu gom, xử lý rác đúng quy định.
Phát động đi đầu từ gia đình cán bộ, đảng viên để nhân dân noi theo. Việc nên làm là mỗi tháng một lần, các địa phương huy động tổng lực nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường. Cho xây những chiếc bể giữa đồng để bà con tập kết vỏ lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, sau đó tiến hành thu gom định kỳ và xử lý riêng…
Vì môi trường thân thiện, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, rất cần chính quyền địa phương quyết tâm, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, có thế mới huy động được sự hưởng ứng nhiệt tình từ quần chúng nhân dân.
Bài, ảnh: Ái Kiều