(Báo Quảng Ngãi)- Giá thu mua và năng suất mía hiện không tăng. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân gặp khó khăn trong việc đầu tư là nguyên nhân dẫn đến Ba Tơ khó duy trì diện tích và năng suất mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Phổ Phong.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Èo uột cây mía trên đồi
Dọc Quốc lộ 24, từ thị trấn Ba Tơ lên thị tứ Ba Vì, trên những sườn đồi trước đây trồng mía, nay đồng bào đang phá gốc để trồng mì, trồng keo. Anh Phạm Văn Mâm ở xã Ba Tô cho biết: “Mình trồng 6 sào mía, có 2 sào mía trên đồi. Mấy năm trước cây mía trồng trên đồi còn tốt. Còn bây giờ, đất bạc màu nên mía rất xấu. Hơn nữa vì thiếu tiền mua phân bón, nên cây mía càng xấu thêm. Đã vậy, khi thu hoạch lại tốn công vận chuyển nên năm nay mình phá hai sào mía trên đồi để chuyển sang trồng mì, chỉ còn giữ 4 sào mía ở phía dưới thôi”.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế khi trồng mía trên đất đồi ở Ba Tơ. |
Anh Phạm Văn Rích cũng là người trồng mía trên đất đồi phân bua: “Không chuyển qua trồng mì làm sao được. Bởi hai năm rồi giá thu mua mía của Nhà máy đường Phổ Phong chỉ 850 nghìn đồng/tấn cho loại mía có hàm lượng đường 10CCS. Nhưng, thời điểm bán mía chữ đường có được như vậy đâu, nên tiền thu được ít hơn. Tiền thu ít nên chuyện mua phân bón đầu tư trở lại cho mía ít đi, cây mía không còn tốt nữa. Như vậy thì chuyển qua trồng cây mì hoặc nơi nào đất bị rửa trôi thì trồng cây keo cho đỡ công chăm bón hơn mà thu hoạch có khi nhiều tiền hơn trồng mía”.
Vì nhiều nguyên nhân mà những năm gần đây diện tích trồng mía ở Ba Tơ giảm dần. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, đến niên vụ năm 2014 - 2015 ở Ba Tơ chỉ còn 916ha mía, với năng suất bình quân 57,5 tấn/ha. Niên vụ 2015 - 2016, huyện phấn đấu trồng 1.010ha mía. Nhưng đến cuối tháng 5.2015, toàn huyện chỉ trồng được khoảng 820ha. Trong đó, có 751ha lưu gốc từ năm trước và khó có thể đạt được kế hoạch.
Mô hình trồng mía trên đất dốc gặp khó
Năm 2010, Nhà máy đường Phổ Phong triển khai mô hình “trồng mía trên đất dốc”. Lúc đó, sau khi bàn bạc thống nhất với huyện, Nhà máy đường Phổ Phong đưa cơ giới lên cải tạo đất và đưa giống mía mới vào trồng. Nông dân thấy nhà máy hỗ trợ đầu tư nên tích cực tham gia cải tạo vùng gò đồi để trồng mía. Nhờ sự nỗ lực của nhà máy, cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân nên năm đó ở Ba Tơ có 135ha mía được trồng theo mô hình này. Mỗi hec-ta làm đất để trồng mía trên đất dốc chi phí 5,6 triệu đồng, cộng với vôi, lân, phân NPK, hom mía giống hết khoảng 15 triệu đồng được nhà máy cho nông dân mượn.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên nhà máy thu hồi 60% vốn đầu tư và năm sau thu phần còn lại. Nông dân thấy hiệu quả của việc đầu tư nên phấn khởi. Vụ mía đầu tiên trồng theo mô hình đạt 67 tấn/ha và vụ tiếp theo đạt trên 69 tấn/ha. Trên cơ sở này, huyện Ba Tơ tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía lên 1.000ha, trở thành vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những năm sau đó khi Nhà máy đường Phổ Phong không còn hỗ trợ đầu tư trồng mía trên đất dốc, người dân thiếu điều kiện chăm bón nên năng suất thấp dần, cộng với giá mía không tăng nên nhiều hộ trồng mía nản lòng. Họ chuyển sang trồng mì hoặc trồng keo nên diện tích mía ở Ba Tơ giảm dần.
Theo nhận định của lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, nếu Nhà máy đường Phổ Phong không tiếp tục tạo điều kiện cho dân mượn giống, phân bón, hỗ trợ làm đất cũng như cải thiện về giá thu mua thì khó phát triển vùng nguyên liệu. Bởi cuộc sống của hộ trồng mía nhìn chung còn nghèo và họ khó có điều kiện để chăm bón, phát triển vùng nguyên liệu mía, nhất là ở vùng gò đồi.
Bài, ảnh: MAI HẠ