Chuyện giảm nghèo ở Trà Sơn

01:07, 19/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, người dân xã Trà Sơn (Trà Bồng) đã cùng nhau nỗ lực giảm nghèo, tạo dựng  đời sống ngày một no đủ, khấm khá.

Khai thác các thế mạnh để phát triển kinh tế

Trà Sơn có trên 5 nghìn dân, là xã đông dân của huyện Trà Bồng. Do đó, công tác giảm nghèo cũng như quản lý dân cư gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo UBND xã Trà Sơn, một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả là nuôi bò theo phương thức đối ứng.

Nhờ phát triển chăn nuôi bò lai mà nhiều hộ gia đình ở Trà Sơn đã thoát nghèo.
Nhờ phát triển chăn nuôi bò lai mà nhiều hộ gia đình ở Trà Sơn đã thoát nghèo.


Từ chỗ biết quý trọng tài sản của Nhà nước hỗ trợ nên bây giờ ở Trà Sơn cứ nghe có chương trình hỗ trợ bò dù có hay không có vốn đối ứng thì người dân cũng tích cực tham gia. Cụ thể như trong năm 2015, xã Trà Sơn có đến 117 hộ đăng ký và được hỗ trợ bò theo phương thức đối ứng của Ngân hàng bò. Tuy nhiên, do số lượng có hạn nên xã đã xét duyệt lại còn 30 hộ.

Mô hình hỗ trợ bò theo phương thức đối ứng đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ hơn hai năm tham gia mà nhiều hộ đã thoát nghèo một cách bền vững. Cũng từ điểm tựa này mà có hộ đã vươn lên trở thành hộ khá giả. Những hộ còn lại cũng đã giảm được nghèo, từ hộ nghèo xuống hộ cận nghèo.

Anh Hồ Văn Phương, thôn Đông, xã Trà Sơn từng nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Thế nhưng sau khi nhận bò hỗ trợ của Nhà nước, anh Phương đã mạnh dạn vay thêm tiền để mua thêm một con bò cái để đối ứng. Đồng thời, anh đăng ký học lớp đào tạo nghề xây dựng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay anh Phương đã thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả.

Không chỉ anh Phương mà hiện nay ở Trà Sơn có gần cả trăm người tham gia vào những nhóm thợ xây. Nhờ đó, những thành viên trong các nhóm thợ xây có thể giúp đỡ nhau xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ, chuồng trại... Chính cách làm này đã giúp cho nhiều người giảm được một khoản chi phí lớn trong việc chi trả tiền công thợ. Qua đó tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong khu dân cư ngày một bền chặt hơn.

Ngoài ra, nếu như trước đây hầu hết các công trình ở miền núi đều do thợ ở dưới xuôi lên nhận thầu, thì bây giờ thợ xây ở Trà Sơn đã dần đảm nhận được.  Với mức thu nhập trên 150 nghìn đồng/ngày công đối với thợ phụ và trên 200 nghìn đồng/ngày công đối với thợ chính như hiện nay đã giúp cho nhiều hộ trong xã có công ăn việc làm ổn định, giảm tình trạng tha hương vào Nam và Tây Nguyên kiếm sống như trước.
 

Nếu như năm 2012 hộ nghèo ở Trà Sơn chiếm trên 80% thì đến đầu 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 54%. Trà Sơn phấn đấu đến cuối năm 2015 hộ nghèo sẽ giảm xuống dưới 45%.

Thay đổi nhận thức trong cung cách làm ăn

Về Trà Sơn hôm nay, sẽ nhận thấy sự vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng cao này. Nhiều nhà mới đã và đang được xây dựng khang trang. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống của người dân Trà Sơn cũng được nâng lên đáng kể.

Ông Bùi Quang Kha – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết: “Mặc dù đời sống của người dân ở Trà Sơn hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng so với ba năm về trước đã khởi sắc hơn nhiều. Bên cạnh đó, ý thức người dân cũng đã nâng cao. Người dân trong xã đã thay đổi dần tập quán sản xuất cũ và mạnh dạn hơn trong việc tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, giúp nhau giảm nghèo”.

Hiện nay, ở Trà Sơn tình trạng thả rông trâu bò trên núi đã không còn. Nhà nào cũng đã xây dựng được chuồng bò kiên cố, sạch sẽ. Cái hay nữa là hầu hết chuồng bò trong xã đều được đồng bào Cor xây ở phía sau nhà hoặc cách xa nhà ở để hạn chế ô nhiễm. Có nhiều hộ còn đầu tư xây dựng chuồng bò kiên cố ở trên núi cao.

Ông Hồ Văn Tiến – Bí thư Chi bộ thôn Kà Tinh cho biết: “Đối với đồng bào nơi đây con bò đã trở thành tài sản quý nên ai cũng chăm sóc cẩn thận. Do đó, không chỉ ở nhà mà ở trên núi cũng có chuồng bò xây dựng kiên cố. Bởi bây giờ ai cũng sợ bò bị bệnh, bị ốm hết nên không dám thả rông ở ngoài như trước nữa”.

Bên cạnh phát triển chăn nuôi thì phương thức trồng trọt cũng được người dân quan tâm đổi mới. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy không còn nữa, thay vào đó người dân chuyển sang trồng keo, trồng quế. Nguồn thu từ cây keo và cây quế đã giúp cho đời sống của người dân nơi đây ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.