(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015/NĐ – CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41 trước đây sẽ có hiệu lực từ ngày 25.7.2015. Chính sách mới này nhằm đáp ứng tốt hơn việc vay vốn phát triển nông nghiệp, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghị định số 41/2010/NĐ-CP được triển khai trong những năm qua đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê, đến nay dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ngãi chiếm trên 86% tổng dư nợ mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Quảng Ngãi cho vay. Tuy nhiên qua thực tiễn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách theo Nghị định 41. Cũng theo Nghị định 41, mức cho vay không có tài sản bảo đảm cao nhất cũng chỉ 500 triệu đồng nên không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Nghị định 55 ra đời là cơ hội giúp nông dân vay vốn mở rộng quy mô sản xuất. |
Bên cạnh đó, năm 2012 Luật Hợp tác xã ra đời thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đòi hỏi cần thiết có chính sách ưu đãi hơn về nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thật sự bước vào “sân chơi” chung của thế giới, nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp ở nước ta với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra; một số sản phẩm nông nghiệp sản lượng không ngừng tăng, nhưng giá trị lại không tăng hoặc giảm đi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Trong đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Do vậy, ngày 9.6.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định đã bổ sung đối tượng được vay vốn là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Nghị định mới cũng nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định trước. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình có thể vay tối đa 100 triệu đồng và 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Những đối tượng, lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như chủ trang trại nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, liên hiệp hợp tác xã cũng được áp dụng các mức cho vay, không có tài sản đảm bảo từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Nghị định cũng khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác. Đồng thời cũng quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định nêu rõ, lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi, cho biết: Trong thời gian này, Agibank đã triển khai nội dung Nghị định đến các chi nhánh trên trên địa bàn huyện, đồng thời tổ chức tập huấn cho khoảng 300 hội viên nông dân tham gia nắm chính sách tín dụng mới nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả.
Bài, ảnh: MAI HẠ