(Báo Quảng Ngãi)- Trong Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuần qua, Hội Nông dân huyện Ba Tơ được Hội Nông dân tỉnh biểu dương vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân, Hội Nông dân huyện Ba Tơ đã cụ thể hóa Chỉ thị, tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật chung như: Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ môi trường... Hội Nông dân huyện còn dựa vào đặc thù của huyện để phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết những vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong dân. Qua 5 năm, Hội Nông dân huyện đã góp phần hòa giải gần 600 vụ tranh chấp, mâu thuẫn...
Nông dân Ba Tơ áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. |
Ông Phạm Quang Long – Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: Nhờ công tác tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật, phối hợp với các đơn vị chức năng mà Hội đã giải quyết tốt các vụ tranh chấp, hòa giải những vụ mâu thuẫn trong nông dân. Đây là cơ sở để nông dân ổn định tư tưởng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật, tập trung đầu tư đa dạng cây, con giống mới để phát triển sản xuất. Đến nay, đã có nhiều mô hình mới cho hiệu quả khá cao, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân.
Nhờ sự hiểu biết pháp luật, sống hòa nhã với bà con làng xóm, gia đình anh Bùi Minh Toàn, thôn Nước Y, xã Ba Vinh đã tập trung tìm tòi các mô hình cho hiệu quả kinh tế mà phù hợp với khả năng của mình để thực hiện. Đến nay, kinh tế gia đình anh thuộc diện khá giả nhất nhì làng.
Anh Toàn kể: Trước đây, tôi cũng rơi vào cảnh nghèo khó. Năm 2007, thấy bà con trồng keo có lợi, gia đình cũng muốn dốc sức trồng cây nguyên liệu nhưng không có đất. Nghĩ rằng mình còn trẻ để nghèo mãi sao đành, tôi quyết định vay vốn chính sách để chăn nuôi heo, tận dụng đất vườn, đồng ruộng bên cạnh nhà thả nuôi thêm gia cầm.
Từ việc nuôi vài con để giải quyết lúc khó khăn, thấy có triển vọng, qua mỗi năm anh Toàn mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo thịt với quy mô lớn. Vài năm trở lại đây, cứ 4 tháng, anh xuất chuồng một đợt và tiếp tục nuôi gối đầu. Tính bình quân mỗi năm anh nuôi được 400 – 500 con, xuất bán ra thị trường khoảng 30 tấn heo hơi và 600kg gia cầm. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh đào 120m2 ao để thả cá cải thiện bữa ăn gia đình, đồng thời đầu tư nuôi thêm 4 con bò lai sind... Hằng năm, gia đình anh đã có nguồn thu nhập hơn 120 triệu đồng.
Không chỉ mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao mà trong nhiều năm qua, Hội Nông dân Ba Tơ còn chú trọng triển khai hàng loạt mô hình có triển vọng. Như gia đình ông Phạm Văn Để, thôn Uy Năng, thị trấn Ba Tơ, nhờ học hỏi kỹ thuật nuôi trồng từ các lớp tập huấn do Hội nông dân phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn, ông đã mạnh dạn thực hiện nuôi, trồng đa loại cây con. Trên sườn đồi ngày xưa trồng lúa rẫy, cây hoa màu ngắn ngày thì giờ ông trồng 40.000 cây keo giâm hom, trồng xen với cây lâu năm như xà cừ, huỳnh đàn. Phía dưới chân đồi, ông trồng mía, mì, đồng thời tận dụng đất đồi thả nuôi trâu, bò và dê. Tổng đàn gia súc của ông có thời điểm lên 100 con, hiện còn 55 con. Hằng năm, ông thu nhập trên trăm triệu đồng.
Ông Phạm Quang Long cho rằng: Mô hình sản xuất của ông Toàn và ông Để chỉ là hai trong hàng loạt mô hình đã mang lại cuộc sống no đủ cho hàng ngàn nông dân Ba Tơ. Ngoài các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với quy mô lớn, các mô hình chăn nuôi heo sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo ky cũng cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay, toàn huyện có trên 7.000 hội viên hội nông dân thì có khoảng 1.100 hội viên đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, số hộ đạt tiêu chí nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh gần 100 hộ.
Bài, ảnh: MAI HẠ