(Báo Quảng Ngãi)- Đó là đúc kết của những cư dân miền biển. Được xem là một trong những nghề “phụ trợ” ở trên bờ của nghiệp biển, nhưng đan thúng chai, đan lưới đã mang lại nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống.
Nghề “phụ trợ” cho thu nhập chính
Đường về xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) trưa tháng 5 nắng nóng tạo cảm giác như làm cong cả mặt đường. Vậy mà nơi xóm nhỏ cảng cá thôn Đông Hòa gió biển lồng lộng thổi, mát rượi. Dưới hàng dương liễu xanh rì, cả gia đình ông Phạm Tổng “bày trận” đan thúng chai, chuyện trò rôm rả. Ở thôn này người dân quen gọi ông Tổng là ông Bảy thúng chai, người gắn bó với nghề này từ khi 17 tuổi. Năm nay, ông đã 87 tuổi. Nhẩm tính ông đã có 70 năm bên cái nan tre, sợi cước của nghề đan thúng chai. Ông Tổng bảo: “Cha tôi làm nghề đan thúng, truyền lại cho tôi. Giờ thì vợ chồng thằng con tôi cũng theo nghề này”.
Anh Miên - người được ông Phạm Tổng truyền nghề đang thúng chai. |
Ông Tổng kể với sự tự hào rằng: Vợ chồng tôi từ nghề đan thúng mỗi năm dư được hơn 100 triệu đồng. Còn thằng con làm nhiều hơn, dư được 150 triệu. Mỗi tháng vợ chồng tôi xuất 10 cái thúng chai theo đơn đặt hàng. Con trai tôi 15 cái. Ngư dân muốn mua 1 cái thúng chai của cha con ông Bảy Tổng phải đặt hàng trước cả tháng mới có. Nếu là thúng nan thì 2 triệu đồng/cái, còn thúng nan có quét dầu thì 4 triệu đồng. Bây giờ thúng nhựa sản xuất nhiều, nhưng ngư dân vẫn chuộng thúng đan thủ công bằng nan tre, vì an toàn, khó bị lật trước sóng gió.
Dưới gốc dương, ông Bảy Tổng ngồi vót nan tre, đan thúng gần như suốt cả ngày. Ông cột mấy chiếc võng vào gốc cây cạnh đó để khi mỏi lưng nằm nghỉ. Võng cũng là để khách thập phương đến thăm chơi, đến đặt thúng ngả lưng trò chuyện. “Đời người đan thúng thủng thẳng lắm cô ạ. Thanh thản trong lòng đường nan mới đẹp, mới khéo” – ông Tổng bảo thế. Con ông là anh Miên (40 tuổi) là người chăm chỉ có tiếng ở vùng này. Ngoài làm 10 sào ruộng, khi vãn mùa lúa, anh Miên tập trung đan thúng. “Nghề nông cho cái nồi đầy. Nghề đan thúng để dành dụm xây nhà, mua xe” – anh Miên chia sẻ với chúng tôi.
Cả thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa bây giờ còn gần chục hộ đan thúng chai. Đan thúng không nặng nhọc nhưng đòi hỏi khéo léo, cần mẫn. Có thật sự yêu nghề này thì mới bám trụ được. “Nói vậy chứ ngồi vót nan, đan thúng mãi cũng gầy người, chỉ có đôi tay là to bất thường vì phải hoạt động nhiều” – ông Tổng đúc kết. Trò chuyện với chúng tôi nhưng ông Bảy thúng chai vẫn thoăn thoắt tay pha tre, vót nan. Ông thạo việc này đến nỗi khi pha thanh tre ông không cần dùng phải dùng dùi đục mà dùng chính bàn chân phải “gõ” vào sống rựa, cứ thế lưỡi rựa chẻ tre thành từng thanh nhỏ.
Trong câu chuyện kể của mình, ông Bảy vẫn nhớ như in cái tuổi thơ nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc của mình. Thương con, ông Năm Điều – cha ông đã đi học nghề đan thúng chai. Kể từ ngày đan thúng, cái nghèo đã dần bị xua ra khỏi gia đình ông. Rồi đến đời ông, đan thúng đã cho gia đình sung túc, đủ đầy.
Hết túng nhờ đan lưới
Mùa biển lặng, tàu cá ra khơi. Vũng neo đậu tàu thuyền An Hải (huyện đảo Lý Sơn) vắng teo. Chỉ có vài tàu cá, kết thúc hành trình, dũ cá xong, kéo lưới lên bờ để đan lại những chỗ bị đàn cá đuổi nhau vùng vẫy làm rách lưới. Dưới cái nắng tháng 5, hàng chục chị em phụ nữ tay vẫn thoăn thoắt, mắt không rời những mắt lưới. Chị Dương Thị Nhiều, thôn Tây, xã An Hải bảo: “Mùa này khá rảnh, tranh thủ vá lưới kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Khoảng 15 ngày nữa, hành cho thu hoạch, mình quay sang nhổ hành, cắt bán. Ngày nào không ra đồng thì đi đan lưới”.
Cả huyện đảo Lý Sơn có hàng trăm phụ nữ chọn nghề đan lưới để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày làm “căng” từ sáng đến chiều cũng được khoảng 100.000-150.000 đồng. Riêng đối với phụ nữ xã An Bình- đảo Bé (Lý Sơn), mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ hành, tỏi. Tháng giêng thu hoạch xong là chẳng trồng được cây gì nữa vì đến mùa hạn, nắng nóng, trong khi cây trồng chỉ trông vào nước trời. Vì thế, người dân đảo Bé gọi thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm là “mùa ở không”. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, những người phụ nữ còn sức lao động, biết đan lưới lại vượt biển sang đảo Lớn để đan lưới kiếm tiền. Chị Nguyễn Thị Thúy, ở KDC số 1, xã An Bình bảo: “Mấy chị em chúng tôi thường nhận khoán 1 tấm lưới bao nhiêu tiền có chừng. Cùng nhau làm, hoàn thành nhận tiền rồi chia nhau. Tính bình quân mỗi chị em cũng kiếm được 150.000 đồng/ngày, gia đình bớt túng thiếu”.
Ở các xã biển của thành phố Quảng Ngãi như Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, phụ nữ có nhiều nghề phụ để làm hơn. Thế nhưng nhiều chị vẫn thích chọn nghề đan lưới. “5-7 chị cùng túm lại, vừa chuyện trò, vừa đan lưới. Việc nhàn mà lại kiếm thêm được trăm nghìn mỗi ngày để chợ búa” – chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ cho biết. Nghề đan lưới với thu nhập chừng ấy chẳng thể giúp các chị xóa nghèo, nhưng nếu là để kiếm tiền chi phí cho cuộc sống thường nhật thì “rất ổn”. Bởi thế, nơi nào có nghề biển, nơi ấy phụ nữ hầu hết đều biết đan vá lưới, vừa giúp cho ngư dân, vừa có thu nhập.
Bài, ảnh: THANH NHỊ