Giã từ nghề giã cào vì đại dương xanh

10:06, 06/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề lưới kéo ngư dân còn gọi là nghề giã cào đôi, tuy đem lại cuộc sống no đủ cho nhiều người, nhưng nghề này gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản tầng đáy. Đã đến lúc phải loại bỏ nghề này vì đại dương xanh.

Nghề “càn quét” lòng biển

Cả đời đi biển, bây giờ ông Huỳnh Hiển ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có trong tay cả thảy 4 đôi tàu giã cào đôi, trị giá tổng cộng trên 10 tỷ đồng. Nhưng mỗi khi nhắc về thành quả của mình khai thác đánh bắt hải sản trong lòng biển, ông Hiển không lấy làm điều tự hào. Bởi lẽ, ông hành nghề giã cào đôi, cái nghề mà bất kỳ ngư dân nào ra khơi cũng hiểu mỗi khi quăng lưới xuống vùng biển nào là cào hết hải sản nơi đó. Ông Hiển thừa nhận: “Nghề này, lưới dày, hơn nữa chì gắn vào từng mắc lưới khá nặng nên mỗi khi quăng lưới xuống biển là lưới nằm sát đáy, có thể cào được bất kỳ loài hải sản nào mà tàu kéo lưới qua.

Nghề giã cào đôi chủ yếu đánh bắt các loại cá nhỏ, mới sinh sôi để bán làm thức ăn cho gia súc và sản xuất phân bón.
Nghề giã cào đôi chủ yếu đánh bắt các loại cá nhỏ, mới sinh sôi để bán làm thức ăn cho gia súc và sản xuất phân bón.


Vì vậy, không có mẻ lưới nào thất thu cả. Một mẻ lưới lúc được vài tạ, có khi đến vài tấn. Cá có “tên tuổi” có giá trị xuất khẩu, lẫn cá tạp, nhưng chủ yếu vẫn là cá nhỏ”. Kể rồi ông Hiển lại bảo, có khi nào lấy được hết mẻ cá thu được đâu. Lấy những loại dùng được thôi, số còn lại vụn vặt, dập nát thì đổ lại xuống biển. Chính vì cách khai thác này mà đôi lúc ông Hiển cũng thấy xót xa, vì thế ông giãi bày, có lẽ tôi sẽ chuyển sang hình thức khai thác khác thôi.

Ngư dân Huỳnh Văn Minh thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) trước đây cũng hành nghề lưới kéo, nhưng khi có chủ trương khuyến khích đóng tàu lớn vươn khơi xa, ông đã nâng cấp công suất đôi tàu của mình chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Ông Minh bảo: “Nghề lưới kéo bây giờ đều đầu tư tàu công suất lớn, thiết bị lại hiện đại nên càn quét dữ lắm. Nếu trước đây, 1 giờ tàu chỉ di chuyển được khoảng 4 hải lý, thì giờ có thể di chuyển từ 8-9 hải lý/giờ. Tốc độ khai thác cũng nhanh, phương tiện khai thác dùng toàn máy móc. “Bây giờ là thời điểm nghề giã cào đang vào mùa, mà mùa này cá ở biển khơi vào lộng sinh sôi nhiều nên bị tàu này càn quét sạch. Nếu không dừng lại sớm, nghề này sẽ tận diệt hết các loại hải sản ven bờ thôi” – ông Minh nói.

Mà đâu chỉ Nghĩa An, theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 2014 tàu khai thác nghề lưới kéo. Với cách khai thác kiểu tận diệt này thì trong tương lai gần, chính ngư dân tự hất đi nồi cơm của chính mình, khi biển không còn cá.

Kiên quyết loại trừ

 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1445/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo quyết định thì giảm các nghề gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái, trong đó có nghề lưới kéo... và theo Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản của Chính phủ, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2013 - 2015 giảm số tàu làm nghề lưới kéo xuống dưới 15% tổng số tàu cá khai thác hải sản. Trong khi đó, Quảng Ngãi hiện có đến 36,36% tàu làm nghề lưới kéo. Đây là tỷ lệ quá lớn.

Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nghề lưới kéo hầu hết chỉ đánh bắt vùng nước ven bờ, không những ở vùng biển trong tỉnh mà còn đánh bắt ở vùng biển các tỉnh trong cả nước, gây tác hại rất lớn đến môi trường và nguồn lợi thủy sản tầng đáy. Trong lộ trình phát triển thủy sản đến năm 2020. Sở đã kiên quyết đề xuất lên tỉnh, Tổng cục Thủy sản khống chế nghề lưới kéo phát triển, giảm dần một số nghề lưới rê ven bờ, đồng thời duy trì và phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương... thân thiện với môi trường.

Theo thống kê, ngư trường Quảng Ngãi có diện tích khoảng 11.000km2, với trữ lượng hải sản khoảng 68.000 tấn, khả năng cho phép khai thác hàng năm khoảng 27.000 tấn. Hiện nay, sản lượng khai thác của đội tàu trong tỉnh (149.937 tấn/năm 2014) đã vượt xa khả năng đáp ứng nguồn lợi của vùng biển nên thường xuyên có trên 50% số lượng tàu (chiếm khoảng 80% tổng công suất) phải đánh bắt ở ngư trường ngoài tỉnh. Còn lại gần 50% tàu thuyền nhỏ chủ yếu khai thác ven bờ trong tỉnh.

Theo giải thích của ông Hoàng thì, khu vực ven bờ là bãi đẻ và là nơi sinh sống của các loài thủy sản thời kỳ còn bé. Số lượng thủy này có chức năng bổ sung nguồn lợi cho toàn vùng biển. Việc khai thác quá mức vùng ven bờ, đặc biệt là việc vi phạm vùng khai thác của tàu lưới kéo đã làm cho nguồn lợi vùng ven bờ dần dần cạn kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của ngư dân.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.