Cần khơi thông dòng vốn FDI

08:06, 17/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Thế nhưng, tỷ lệ vốn FDI giải ngân vẫn còn rất thấp so với tổng vốn đăng ký đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 36 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn hơn 4,064 tỷ USD. Trong số này 16 dự án FDI hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh (có một số dự án hoạt động rất hiệu quả như Doosan Vina, Điện tử Foster, Giầy Rieker). Ngoài ra, có 3 dự án đã hoàn thiện hạ tầng đang vận hành chạy thử, 14 dự án FDI đang triển khai các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, vốn thực hiện của các dự án FDI lũy kế đến nay mới đạt 545 triệu USD, chỉ chiếm 13,4% tổng vốn đăng ký.

 

Theo Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư Dự án Thép Guang Lian Dung Quất thì dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD mới giải ngân 73 triệu USD sau gần… 10 năm.                                              Ảnh: H.H
Theo Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư Dự án Thép Guang Lian Dung Quất thì dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD mới giải ngân 73 triệu USD sau gần… 10 năm. Ảnh: H.H


Do khó khăn trong việc thu xếp vốn, 3 dự án đang tạm dừng triển khai. Đó là Dự án Sản xuất công nghiệp nặng của Công ty TNHH Máy Công nghiệp nặng Kumwoo Dung Quất, Nhà máy Eastar KIC Việt Nam và Kho ngầm chứa xăng dầu tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Dự án ít vốn triển khai nhanh

Đúng như cam kết sẽ triển khai dự án đúng tiến độ tại lễ khởi công dự án, Công ty TNHH Sumida (Nhật Bản) hiện đang tập trung xây dựng nhà xưởng để đưa nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Dự án FDI có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD này chuyên sản xuất các sản phẩm biến áp điện, cuộn cảm, cuộn kháng và linh kiện, phụ kiện liên quan dùng cho điện tử dân dụng, thiết bị tự động, thiết bị công nghiệp và y tế để xuất khẩu, được xây dựng đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn về sản xuất của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Còn dự án Kizuna Quảng Ngãi (cũng của nhà đầu tư Nhật Bản) xây dựng nhà xưởng, nhà văn phòng, các công trình phụ trợ phục vụ cho các nhà đầu tư thuê để sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư 3,6 triệu USD cũng đang gấp rút về đích đúng hẹn vào cuối năm 2015.

Trong khi đó, tại khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, với vốn đầu tư 20 triệu USD (giai đoạn I), chỉ sau một năm xây dựng, Công ty King Riches đã hoàn thành Nhà máy sản xuất và gia công Giày gồm 3 nhà máy, 1 xưởng sản xuất, cùng ký túc xá cho công nhân, khu nhà ở cho chuyên gia, căng tin, bãi đậu xe và các công trình phụ khác. Hiện Nhà máy này cùng với Nhà máy sản xuất bánh kẹo và nước giải khát URC Central Dung Quất (Anh) có tổng vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD và Nhà máy sản xuất sợi và vải Xindadong Textiles Dung Quất do Công ty TNHH New Manson Group Textiles Industrial (Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 15,8 triệu USD đang vận hành chạy thử và dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong tháng 8 tới. Đây là 3 trong số 10 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi (tổng vốn 137 triệu USD) giải ngân nguồn vốn nhanh nhất.

Ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cùng với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của giai đoạn 1A, văn phòng làm việc, Trạm phòng cháy chữa cháy, Nhà máy xử lý nước thải… của VSIP Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Với hạ tầng đồng bộ, với những ưu đãi đầu tư, khu công nghiệp VSIP sẽ tiếp tục phát triển là nơi hấp dẫn nhà đầu tư và trong vòng 3 năm tới khả năng VSIP sẽ lấp đầy diện tích giai đoạn 1A.

FDI tiếp tục vào Quảng Ngãi
Trong 6 tháng đầu năm, có 5 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 16 triệu USD. Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 cho dự án khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi giai đoạn I từ 458 ha lên 660ha và tổng vốn đầu tư từ 125,3 triệu USD lên gần 140 triệu USD, để đáp ứng sự phát triển của VSIP.
Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại KKT Dung Quất. Trong đó có Tập đoàn Hanes Brand và Tập đoàn Amasi Holding LLC (Mỹ), Công ty Samsung Cheil (thuộc Tập đoàn Samsung)…

Dự án “to” ì ạch

Đáng chú ý trong 14 dự án đang triển khai đầu tư, có dự án FDI lớn nhất là Dự án Thép Guang Lian Dung Quất (vốn đầu tư 3 tỷ USD) đang đứng trước nhiều khó khăn sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) xin rút khỏi dự án này.

Ngay sau khi Tập đoàn JFE xin rút lui vào cuối năm 2014, chủ đầu tư hiện tại của dự án - Tập đoàn E-United (Đài Loan) đã trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5. Đáng nói là đề nghị điều chỉnh lần này, chủ đầu tư xin giảm vốn đầu tư dự án từ 3 tỷ USD xuống chỉ còn 2 tỷ USD. Cùng với đó là các đề nghị điều chỉnh liên quan đến phân kỳ đầu tư và tiến độ đầu tư; sản phẩm và cơ cấu sản phẩm; quy hoạch mặt bằng nhà máy và bến cảng chuyên dụng...

Trước việc dự án triển khai ì ạch (kéo dài gần 10 năm qua-PV), tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT và Cục Hàng hải Việt Nam sớm có ý kiến tham gia về các nội dung kiến nghị điều chỉnh dự án của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận điều chỉnh lần 5 chỉ thực hiện nếu Công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam) cung cấp được hợp đồng tín dụng chính thức đã ký với ngân hàng, nếu không Ban Quản lý KKT Dung Quất có quyền đơn phương chấm dứt, thu hồi dự án. Dự án thép tỷ đô chưa có hồi kết, nhưng đây cũng sẽ là một dự án để lại nhiều bài học trong thu hút đầu tư.

Để nguồn vốn FDI phát huy hiệu quả, tỉnh cần sớm rà soát, xây dựng và ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, đối với các dự án đã được cấp phép cần hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, để nhà đầu tư giải ngân nguồn vốn, triển khai đúng tiến độ, đồng thời kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định để làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư.


                             Hoàng Hà

 


.