(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ có cây trồng mới cần đến công trình thủy lợi, mà đối với nuôi trồng thủy sản, thủy lợi cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi chỉ ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, còn nuôi trồng thủy sản thì vẫn bị bỏ ngỏ..
Xã Đức Phong (Mộ Đức) từng nổi tiếng một thời về nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích quy hoạch 43,5ha. Thế nhưng, đến nay con số ấy giảm xuống chỉ còn khoảng 7-8ha. Trong đó có 1,5ha đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây thì dù nuôi tôm hay ốc hương đều không đem lại hiệu quả.
Việc khai thác mạch nước ngầm tại chỗ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. |
Ông Nguyễn Đình Long-Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết, năm 2003-2004, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện Mộ Đức đã đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước và hai bể lắng để xử lý nước thải hồ tôm, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Thế nhưng khi đưa vào sử dụng thì đã bị hư hỏng. Nguyên nhân là do trong quá trình thiết kế không tính được lượng nước thải ra bao nhiêu nên khi sử dụng đã dẫn đến quá tải. Trong khi đó, đường ống dẫn nước thải để đưa ra biển thì quá nhỏ còn áp suất nước quá lớn nên đã bị vỡ ngay. Kể cả mương dẫn nước và hai hồ lắng thì chất lượng thấp, chỉ dùng bao cát để làm bờ hồ nên chỉ qua vài lần sử dụng hồ đã bị vỡ, nước tràn ra đường, rừng dương, dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thả nuôi gần 1.345ha thủy sản với tổng sản lượng ước đạt gần 3.130 tấn. Trong đó thủy sản nước lợ chiếm trên 482ha, sản lượng ước đạt trên 2.190 tấn; thủy sản nước ngọt có trên 862ha, sản lượng ước đạt trên 830 tấn. |
Chính vì những hệ lụy trên mà người nuôi tôm ở Đức Phong đã rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất. Do đó để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm cũng như chính quyền địa phương, ông Long mong muốn cấp trên, ngành chức năng quan tâm xử lý vấn đề ô nhiễm và tìm những đối tượng nuôi mới. Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi bài bản để quá trình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả hơn.
Còn tại xã Đức Minh (Mộ Đức) thì với diện tích quy hoạch khoảng 23ha, đến nay cũng chỉ còn nuôi khoảng 3ha. Ông Nguyễn Lá, một trong những hộ nuôi tôm lớn ở xã Đức Minh chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi khoảng 4ha, nhưng giờ chỉ nuôi cầm chừng khoảng 1ha. Bởi hiện nay các giếng khoan của tôi để phục vụ nuôi tôm đều đã nhiễm mặn không thể sử dụng được nên phải bỏ hồ. Lúc trước mới quy hoạch tôi nghe nhà đầu tư nói là sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi để đưa nước Thạch Nham về phục vụ nuôi tôm. Vậy mà đã đợi 7, 8 năm nay vẫn chưa thấy đâu”.
Không chỉ riêng ông Lá mà hầu hết người nuôi tôm nơi đây đều mong chờ nguồn nước ngọt từ Thạch Nham để họ có thể tiếp tục nuôi. Vì hiện tại mạch nước ngầm ở đây đã dần cạn kiệt và nhiễm mặn, nhiễm phèn nên nguồn nước không đảm bảo. Hơn nữa nuôi thủy sản nước lợ cũng là nghề chính của người dân vùng ven biển xã Đức Minh nên nếu không nuôi thì họ không thể làm được gì khác. Trong khi đó, tiền chi phí đầu tư cho thuê đất và đào hồ đã ngốn khoảng 40 nghìn đồng/m2.
Ông Đoàn Tư Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm giống thủy sản tỉnh cho biết: “Công trình thủy lợi là một trong những nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến sự thành công của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Tuy nhiên, lâu nay, người dân vùng nuôi trồng thủy sản, mà chủ yếu là nuôi tôm trên cát đều đóng giếng tại chỗ và sử dụng mạch nước ngầm này để bơm trực tiếp lên hồ tôm. Việc làm này đã dẫn đến nhiều hệ lụy vì nếu khai thác nhiều quá sẽ khiến cho mạch nước ngầm bị cạn kiệt và các vi khoáng có trong nước cũng sẽ mất dần, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con tôm.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng công nhận cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ hiện nay quá bất cập và từ trước đến nay vấn đề này chưa được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được thì rất khó vì đa số các hồ tôm đều ở xa nguồn nước Thạch Nham và có cao trình cao hơn nên để xây dựng kênh mương thủy lợi đưa nước về phải tốn chi phí rất cao, trong khi đó ngân sách tỉnh lại có hạn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA