(Baoquangngai.vn)- Kiên trung trong thời chiến, quyết chí trong thời bình. Ông Lê Thanh Toán cùng vợ là bà Nguyễn Thị Trọng ở thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn giữ trọn ý nghĩa của danh xưng “Bộ đội cụ Hồ”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giữa trời nắng gắt như đổ lửa, người đàn ông tuổi ngoài lục tuần với mái tóc trắng phau vẫn cần mẫn vun đất cho từng gốc chuối ngự trong vườn. Mồ hôi chảy đầm đìa trên khuôn mặt nhiều vết chân chim, nhưng ánh mắt lại sáng lên niềm vui khó tả.
“Nhờ có đất đãi người nên gia đình tôi mới đổi đời được. Lúc nào tôi cũng phải chăm sóc, vun trồng để tiếp tục thu được lộc của đất quê hương”- Với ông Toán, gia đình ông khá giả được như ngày hôm nay là một duyên may. Thế nhưng, ở thôn Thiên Xuân nhỏ bé này, ai cũng hiểu rằng, thành quả của gia đình ông chính là nhờ vào sự tận tụy của hai vợ chồng người cựu chiến binh khiêm tốn.
Vườn chuối ngự của gia đình ông Lê Thanh Toán |
Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Lê Thanh Toán mang trong mình những nỗi đau thể xác khó lành lặn, bị mất 61% sức khỏe. Còn vợ ông là bà Trọng cũng là thương binh 2/4. Những lúc trái gió trời, hai vợ chồng bà lại bị những mảnh đạn còn lại trong người hành hạ.
Thoát khỏi nghèo đối với người bình thường đã khó, thì với vợ chồng ông Toán lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Thế nhưng ý chí của hai người cựu binh đã khuất phục được nỗi gian nan của hoàn cảnh.
Xác định gắn bó với mảnh đất quê hương, vợ chồng ông bắt đầu từ việc nuôi bò, trâu để khởi nghiệp. Ông Toán chia sẻ: Chọn mô hình nuôi bò là phù hợp nhất với tôi, vì chi phí ít, thức ăn có thể tận dụng từ cỏ trong vườn nhà.
Sự chăm chỉ, cần cù của vợ chồng ông đã được đáp trả bằng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ việc nhân đàn, bán trâu nghé con. Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình ông đã lên đến gần 15 con. Trong đó có 5 con trâu, bò nái đang giai đoạn sinh sản tốt.
Khởi nghiệp từ đàn bò, trâu, ông Toán đã thoát khỏi nghèo khó với sự cần cù, chăm chỉ lao động |
Chưa dừng lại ở việc chăn nuôi, ông Toán cùng vợ còn chăm chỉ khai hoang, trồng trọt nhiều loại cây trồng cho năng suất cao. Ông Toán đã đầu tư trồng 5 ha rừng, thâm canh 2 sào lúa, 2 sào bí đao, khổ qua, chuối ngự, nuôi thêm gà, vịt, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, vợ chồng ông còn đảm nhận việc chăm sóc, bảo vệ 20 ha rừng thuộc Dự án KFW 6. Nguồn thu nhập từ việc trồng cây, gây rừng đã đem lại cho gia đình ông không dưới 200 triệu đồng mỗi năm.
Từ bàn tay trắng, với hai cơ thể không còn lành lặn, vợ chồng ông Toán đã thực sự đổi đời từ mảnh đất cằn khô. “Với tôi, thành quả sau bao nhiêu năm làm lụng là có thể nuôi con cái ăn học đàng hoàng, nên người từ sự lao động chân chính của mình. Bác Hồ đã nói, mình phải làm sao để thương binh tàn nhưng không phế. Tôi chỉ phấn đấu làm theo lời Bác đó thôi”- ông Toán thành thật bày tỏ.
Cách làm và ý chí của gia đình hai vợ chồng thương, bệnh binh Lê Thanh Toán đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều gia đình ở mảnh đất Hành Tín Đông. Họ đã chứng minh được rằng, chẳng có khó khăn nào không thể vượt qua, miễn mình có ý chí và sự cần cù, chăm chỉ. Đó là những điều hết sức bình dị, nhưng lại là bài học đáng quý để nhiều người noi theo.
Bài, ảnh: Thanh Phương