(Báo Quảng Ngãi)- Với ý nghĩ ban đầu là làm tỏi đen để phục vụ chữa bệnh cho gia đình, anh Nguyễn Quyết Thắng, thôn An Lộc, xã Bình Trị (Bình Sơn) đã thành công với mô hình tỏi đen. Sắp đến anh Thắng sẽ đưa tỏi đen nhãn hiệu Ngọc Tháp Cầu của mình ra thị trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Làm tỏi đen để chữa bệnh
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh và hiện tại anh Thắng đã có bằng thạc sĩ trong tay. Thế nhưng, anh lại không chọn một công việc trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp mà quyết định theo đuổi mô hình làm tỏi đen-một mô hình sản xuất mới ở Quảng Ngãi.
Anh Nguyễn Quyết Thắng kiểm tra tiêu chuẩn của tỏi. |
Nói về nguyên nhân khiến anh lựa chọn hướng đi này, anh Thắng chia sẻ: “Tôi tình cờ nghe một người bạn nói về tỏi đen với nhiều công dụng của nó. Anh ấy nói ở bên Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta dùng tỏi đen rất phổ biến như một vị thuốc và thực phẩm chức năng với giá thành rất cao. Trong đó có công dụng chữa được bệnh tiểu đường nên tôi nghĩ sao mình không làm để cho gia đình mình sử dụng. Bởi ba tôi mắc bệnh tiểu đường đã nhiều năm và tuy ông đã uống nhiều thứ thuốc, nhưng tỷ lệ đường huyết vẫn còn cao”.
Xuất phát từ ý nghĩ ban đầu ấy, anh Thắng lên mạng tìm hiểu thêm về công dụng và cách làm tỏi đen của một số nhà khoa học. Nhận thấy mô hình này hay mà trước giờ ở Quảng Ngãi chưa mấy người biết đến, nên anh Thắng quyết định ra tận Thái Bình mua một chiếc máy làm tỏi đen của một người làm gia công với giá trên 20 triệu đồng.
Có chiếc máy trong tay, tháng 6.2014, anh Thắng bắt tay vào làm tỏi đen. Nói thì đơn giản, nhưng khi làm thì anh Thắng đã gặp không ít khó khăn. Bởi trong quá trình sản xuất phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, nếu không tỏi tươi sẽ không thành tỏi đen và bị hỏng. Và để có được mẻ tỏi thành công theo đúng tiêu chuẩn, anh Thắng đã phải trải qua hàng chục lần thí nghiệm không thành.
Tuy nhiên, anh Thắng nghĩ “có thất bại mới có thành công”, nên anh đã kiên trì làm và cuối cùng thành công cũng đã mỉm cười với anh. Biết được thông tin, anh Thắng làm được tỏi đen, nhiều người đã tìm đến mua dùng thử. Hiện tại, 1kg tỏi đen anh Thắng bán với giá 1 triệu đồng.
Theo anh Thắng, tỏi đen không phải là một giống tỏi mới mà là thành phẩm sau quá trình 40-60 ngày lên men của công nghệ lên men. Dưới tác động của các men vi sinh trong điều kiện của nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm tiêu chuẩn sẽ có tỏi đen. Nhìn bề ngoài tỏi đen không khác gì củ tỏi thông thường. Tuy nhiên, khi bóc ra, những tép tỏi bên trong lại có màu đen. Đặc biệt khi ăn, tỏi đen có vị ngọt và vị cay hăng hắc của tỏi tươi đã không còn. Tỏi đen có thể để được trong thời gian dài mà không sợ hỏng. Riêng tỏi đã bóc ra khỏi bao chân không, người dùng cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần.
Nâng giá trị của tỏi Lý Sơn
Nhắc đến tỏi thì hầu như ai cũng biết hương vị tỏi Lý Sơn của Quảng Ngãi. Thế nhưng, nói đến tỏi đen thì hiện ở Quảng Ngãi rất hiếm người làm. Chính vì vậy, anh Thắng quyết định không chỉ làm theo kiểu phục vụ trong quy mô gia đình mà sẽ đưa sản phẩm ra thị trường.
Anh Thắng cho biết: “Tôi đã đăng ký nhãn hiệu và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường”. Tuy nhiên, để sản xuất được nhiều tỏi đen theo hướng thương mại, anh Thắng phải bỏ ra một khoảng kinh phí không nhỏ. Hiện tại, anh Thắng đã đặt mua dây chuyền máy móc với công suất từ 100-200kg/mẻ. Đồng thời đầu tư nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn làm tỏi đen.
Trên thị trường, tỏi đen có nhiều giá khác nhau, phổ biến từ 1,2-1,9 triệu đồng/kg. Song tỏi đen Lý Sơn luôn có giá cao và được nhiều người ưa chuộng. Trong khi đó, tỏi tươi Lý Sơn chỉ có giá trung bình từ 50-60 nghìn đồng/kg.
Việc đưa công nghệ làm tỏi đen vào trong sản xuất đã nâng cao giá trị của tỏi Lý Sơn. Bởi 1kg tỏi đen cao gấp vài chục lần so với tỏi tươi. Anh Thắng tâm sự: “Mình là người Quảng Ngãi, mình có điều kiện là gần nguồn tỏi. Vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng nó, trong khi nhiều doanh nghiệp ở xa lại làm được. Do đó, để thuận lợi, thời gian tới, tôi sẽ đưa công nghệ làm tỏi ra đảo Lý Sơn và xây dựng cơ sở sản xuất tỏi đen trên chính vương quốc tỏi này”.
Về tiếp cận thị trường, anh Thắng chia sẻ: “Trước hết, sản phẩm làm ra tôi sẽ phân phối cho các cửa hàng chuyên bán đặc sản Quảng Ngãi. Riêng tôi có một cửa hàng chuyên bán đặc sản Lý Sơn tại Gia Lai. Vì vậy tôi tin tưởng mình có thể làm tốt việc đưa sản phẩm ra thị trường”.
Bài, ảnh: H.HOA