(Báo Quảng Ngãi)- Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước. Đây là cơ sở để tiếp tục phát triển KKT Dung Quất trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi, là trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực miền Trung và cả nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
KKT Dung Quất hiện đã hình thành một lực lượng sản xuất khá lớn, tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp cao, nhất là công nghiệp lọc dầu và các ngành công nghiệp nặng-mũi nhọn quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sức bật từ hạ tầng
Từ khi thành lập đến nay, KKT Dung Quất đã và đang triển khai 42 dự án đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư khoảng 4.187 tỷ đồng. Vốn cấp đến nay gần 3.870 tỷ đồng và 3,85 triệu USD. Ngoài ra, các Tập đoàn, Tổng Công ty tự bỏ vốn đầu tư với tổng vốn khoảng 5.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng, các công trình dịch vụ tiện ích. Đặc biệt, vào giữa năm 2012, KKT Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn là một trong 5 nhóm KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015. Nhờ đó, đến nay các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng cơ bản đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển của KKT Dung Quất.
KKT Dung Quất đã hình thành tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu. Trong ảnh: Nhà máy Polypropylene được xây dựng ngay sát NMLD. |
Với những lợi thế cạnh tranh, cùng với cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nên Dung Quất đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, tại KKT Dung Quất có 128 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD. Trong đó có 104 dự án đầu tư trong nước và 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký 3,97 tỷ USD). Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư đạt khoảng 60% vốn đăng ký và hiện đã có 74 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ nguồn lực này, KKT Dung Quất phát triển nhảy vọt, khơi dậy tiềm năng và khai thác có hiệu quả lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên, đất đai, cảng biển… qua đó làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, ngoài việc giải quyết việc làm trực tiếp trên 12 nghìn lao động, tại KKT Dung Quất còn thu hút khoảng trên 2.500 lao động xây dựng và các dịch vụ buôn bán, qua đó góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Ông Phạm Như Sô – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết, đến năm 2014, Dung Quất đóng góp 30% GDP và 70% giá trị sản lượng công nghiệp và gần 90% thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước. Những con số tăng trưởng ấn tượng của Dung Quất khẳng định vai trò quan trọng của KKT đối với sự phát triển của Quảng Ngãi.
Xứng đáng là KKT trọng điểm
Với lực lượng sản xuất tại chỗ với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, vốn thực hiện trên 5 tỷ USD, Dung Quất đang phát huy vai trò đầu tàu cả về quy mô và chất lượng. Mới đây, Dung Quất còn thu hút 2 dự án trọng điểm là Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư trên 1,82 tỷ USD và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore). Đấy là chưa kể dự kiến các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi sẽ không dưới 1 tỷ USD.
Cảng biển nước sâu là lợi thế lớn để Dung Quất thu hút các dự án công nghiệp nặng, dự án có quy mô lớn. |
Mặc dù vậy, lợi thế của Dung Quất vẫn chưa được khai thác hết. Với cảng biển nước sâu Dung Quất I (-15m) và vịnh nước siêu sâu Dung Quất II (-4m) là điều kiện tiên quyết để thu hút các dự án công nghiệp nặng, dự án có quy mô lớn. Trong thực tế, nhân tố này đã phát huy vai trò động lực trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án động lực và tiếp tục mở ra triển vọng thu hút đầu tư trong thời gian đến. Cùng với đó, hệ thống giao thông đường hàng không, đường sắt, đường bộ cũng là nhân tố quan trọng bên cạnh cảng biển nước sâu.
Không những thế, Dung Quất còn có vị trí chiến lược, bởi khoảng cách đường biển đến các trung tâm kinh tế trong khu vực (Đông Bắc Á, Đông Nam Á) khá gần, thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu, nhất là đối với các dự án hướng đến xuất khẩu. Nằm gần KKT mở Chu Lai (Quảng Nam), KKT Dung Quất tạo lợi thế liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành chuỗi đô thị-công nghiệp: Đà Nẵng-Hội An-Tam Kỳ-Chu Lai-Dung Quất-TP. Quảng Ngãi. Chuỗi đô thị-công nghiệp này được kết nối với trục giao thông Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các tuyến đường xuyên Á. Đây là những lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được. Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch&Đầu tư) tin tưởng, với vị trí chiến lược, với nguồn vốn đã đầu tư vào Dung Quất, cùng những dự án lớn đang triển khai nên giai đoạn 2016 – 2020 sẽ là chu kỳ phát triển mới để cho KKT Dung Quất tiếp tục bứt phá.
Theo UBND tỉnh, việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và tiện ích cho KKT Dung Quất sẽ phát huy hiệu quả ngay, tránh rủi ro trong đầu tư công. Với nguồn thu ngân sách lớn từ KKT Dung Quất, Chính phủ có điều kiện để đầu tư trở lại cho Dung Quất. Chính vì thế, Quảng Ngãi đề xuất Dung Quất tiếp tục là một trong các KKT ven biển trọng điểm được ưu tiên để tập trung đầu tư giai đoạn 2016-2020, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển không chỉ riêng cho KKT Dung Quất.
Rõ dần KKT tổng hợp, đa ngành
H.T |
HOÀNG TRIỀU