(Baoquangngai.vn)- Trong những năm qua, kinh tế trang trại (KTTT) được tỉnh quan tâm, đầu tư. Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ để KTTT có sự bứt phá vượt lên, góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Những điểm sáng ở Bình Sơn
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, trong số này có 20 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Hầu hết các các trang trại có thu nhập cao. Tổng doanh thu của 49 trang trại/13 huyện đạt gần 140 tỷ đồng.
Nhiều chủ trang trại muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhưng thiếu vốn |
Cùng với Mộ Đức, Bình Sơn là một trong những huyện có nhiều mô hình KTTT làm ăn hiệu quả. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế thị trường, nhiều chủ trang trại đã biết nắm bắt cơ hội trước vận hội mới, vươn lên làm giàu. Mô hình KTTT tổng hợp, có quy mô 10ha của ông Nguyễn Thọ, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn) là một trong những điểm sáng. Trang trại này bao gồm những cánh rừng xanh mướt mát; hệ thống chuồng trại, ao cá được đầu tư xây dựng bài bản...
Ông Thọ chia sẻ: “Mình bắt đầu làm KTTT vào năm 2000. Trong những nằm gần đây, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều, có thời điểm không đủ sức xoay xở. Cũng may là nhờ sự trợ lực đúng lúc của Nhà nước, đã giúp gia đình tôi vượt qua cơn bĩ cực, dốc tâm sức đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mang lại được nguồn lợi kinh tế cao như bây giờ”.
Ông Phan Diệp-Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Bình Sơn cho biết: “Hầu hết mô hình KTTT trên địa bàn huyện điều được cấp giấy chứng nhận. Đứng trước hội nhập kinh tế, bắt buộc những nông dân chân lấm tay bùn phải biết phát huy nội lực của mình. Nhiều chủ trang trại trên địa bàn huyện đã liên kết, tạo thành “sức mạnh của bó đũa” trong quá trình sản xuất. Đơn cử như Câu lạc bộ chăn nuôi heo ở xã Bình Nguyên. Cái lợi ở đây là khi có những hợp đồng làm ăn kinh doanh lớn, các chủ trang trại đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác. Móc xích kết nối giữa nhà nông và doanh nghiệp vì thế cũng ngày càng chuyên nghiệp, bền vững hơn”.
Cần khơi thông các chính sách ưu đãi
Theo tiêu chí mới, nhiều mô hình KTTT được cấp giấy chứng nhận. Chủ trang trại hy vọng đó là tờ giấy “thông hành”, để họ tiếp cận với nhiều ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Song, thủ tục còn quá nhiều rào cản khiến họ chưa dám đột phá, mở rộng quy mô sản xuất khi mà những xung lực từ bên ngoài vẫn chưa được khơi thông.
Ông Nguyễn Lam Sơn ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà) xây dựng trang trại quy mô khoảng 20ha, chia sẻ: “Mô hình KTTT của mình nằm ở miền núi, nên gặp khó khăn về nhiều mặt. Để mảnh đất không phải đắc địa này sinh ra lợi ích kinh tế là chuyện không hề dễ dàng gì. Xét theo tiêu chí hiện giờ thì tôi đủ điều kiện để tiếp tục được cấp giấy chứng nhận mới. Thế nhưng gia đình cũng không mấy mặn mà. Vì hồi trước được cấp giấy chứng nhận, cá nhân tôi thấy cũng không được ưu tiên gì. Chúng tôi muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng thương hiệu, chứ “tự bơi” giữa muôn vàn khó khăn thì chủ trang trại khó mà lớn mạnh được”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Nhân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Đa số các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh ta phải tự tích lũy vốn, kiến thức, tự lực đi lên xây dựng mô hình KTTT. Như thế, về nội lực, họ có thừa quyết tâm, khát khao làm giàu. Tỉnh ra có rất nhiều tiềm năng về đất đai, mặt nước... để phát triển KTTT. Song, xét về khía cạnh kinh tế, KTTT ở tỉnh ta còn thiếu và yếu. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KTTT đã được Chính phủ ban hành, nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Chính sách có, nhưng khó thực thi khiến nhiều chủ trang trại vẫn chưa có điều kiện thể bứt phá vượt lên được”.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN