Giá xăng chính thức "cõng" 3.000 đồng thuế môi trường

03:05, 01/05/2015
.

Kể từ hôm nay 1/5, giá mỗi lít xăng sẽ chính thức “cõng” 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm tăng giá xăng, dầu.
 

Theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, kể từ hôm nay 1/5, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay điều chỉnh từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diezel từ 500 đồng/lít tăng lên 1.500 đồng/lít; dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít.

Còn mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít.

Qua đó, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước khi cùng một mặt bằng giá xăng dầu thế giới, cơ cấu thuế trong giá xăng, dầu không tăng mà còn giảm (mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế).

Hơn nữa, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là phù hợp với mục tiêu đánh vào hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường của thuế bảo vệ môi trường (xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, do đó, cần quy định mức thuế cao đối với xăng dầu). Trước đây, Nghị quyết số 1269 chỉ quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức tối thiểu trong khung thuế suất và bằng mức phí xăng dầu là để không gây xáo trộn trong việc quản lý thu khi chuyển từ phí xăng dầu sang thuế BVMT đối với xăng dầu).

Để việc tăng thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hoả giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.

Đồng thời, Bộ cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5,B10) thống nhất với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng, dầu khoáng là 20% nhằm khuyến khích sản xuất và phối trộn nhiên liệu sinh học trong nước.

Bộ Tài chính tính toán, nếu cộng thêm cả thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thêm (2.000 đồng/lít) thì giá xăng A92 của Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng A92 của một số nước trong khu vực (thấp hơn Campuchia: 4.198 đồng/lít; Lào: 5.290 đồng/lít; Trung Quốc: 918 đồng/lít; thấp hơn Thái Lan: 2.045 đồng/lít tại thời điểm ngày 10/3).

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương - Tài chính, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Ngày 4/5, sau khi kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kết thúc, liên Bộ sẽ xem xét đến mức giá cơ sở để làm căn cứ để điều chỉnh tăng hoặc giảm giá xăng dầu trong nước. Nếu theo đúng quy định thì đến ngày 28/4 sẽ là thời hạn để liên Bộ xem xét giá điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, do trùng dịp nghỉ lễ, nên thời hạn này đã được lùi 6 ngày, đến ngày 4/5.

Về vấn đề thuế môi trường đối với xăng dầu, theo ông Quyền, từ 1/5 thuế môi trường tăng lên 300 sẽ không ảnh hưởng tới quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 4/5 tới, bởi từ ngày 14/4 thuế nhập khẩu xăng dầu đã được điều chỉnh giảm từ 35% xuống 20%. Vì vậy trong kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước sắp tới sẽ chỉ chịu tác động của biến động giá cơ sở của thế giới.

Ông Quyền cho biết thêm, liên Bộ sẽ điều hành theo nguyên tắc có tăng, có giảm phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Nếu giá xăng dầu có tăng - giảm tới đây, thì cũng phải được cân nhắc phù hợp với các yếu tố sản xuất trong nước và đời sống người dân.



 An Hạ/Dân trí


.