(Báo Quảng Ngãi)- Cảng cá Lý Sơn vừa tiếp nhận hải sản, vừa “đảm đương” luôn nhiệm vụ đón tàu khách tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn cùng hàng loạt các chuyến tàu vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa… nên thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Nhất là khi lượng khách du lịch tìm đến đảo Lý Sơn ngày càng nhiều.
“Cảng 3 trong 1” quá tải
Chưa có cảng giao thông riêng biệt, nên cảng cá Lý Sơn phải đảm đương luôn nhiệm vụ tiếp nhận các chuyến tàu vận chuyển hành khách từ Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn và ngược lại. Điều đó, không chỉ gây trở ngại cho việc đưa tàu thuyền vào cập cảng cá của ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về du lịch của Lý Sơn. Nhất là khi hiện nay, lượng du khách tìm đến Lý Sơn ngày càng tăng và Lý Sơn đang định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp.
Cảng cá đảm đương luôn nhiệm vụ làm cảng giao thông sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch theo hướng xanh- sạch- đẹp của Lý Sơn. |
Hài lòng với hầu hết địa điểm tham quan lý thú tại Lý Sơn cùng sự thân thiện, mến khách của người dân đất đảo, nhưng ông Nguyễn Bảo, một du khách đến đảo Lý Sơn trong dịp lễ 30.4 vừa qua không khỏi phàn nàn: “Khi vừa bước xuống tàu, đặt chân đến đảo, điều đầu tiên khiến chúng tôi không thích chính là mùi hải sản, mùi cá mắm bốc lên nồng nặc bởi vị trí neo tàu ngay khu vực cảng cá của ngư dân. Rồi việc lên tàu, xuống tàu cũng thế, chúng tôi đều phải nhờ nhân viên trên tàu giúp đỡ vì tàu không neo sát được vào cảng”.
Không chỉ ảnh hưởng đến cảm nhận của du khách, sự nhập nhằng giữa cảng cá và cảng giao thông còn khiến công tác quản lý của Ban Quản lý cảng Lý Sơn gặp khó. Vào mùa cao điểm, cán bộ Ban Quản lý phải túc trực tại cảng từ 5 giờ sáng để điều tiết các hoạt động neo trú giữa các tàu cá với nhau và giữa tàu cá với tàu khách.
“Những ngày bình thường, cảng cá Lý Sơn chỉ tiếp nhận một chuyến tàu tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và một chuyến Lý Sơn- Sa Kỳ. Tuy nhiên, trong dịp lễ 30.4 vừa qua, do lượng du khách đến Lý Sơn lên đến hơn 7.000 người nên từ ngày 28.4-3.5, mỗi ngày, cảng cá tiếp nhận đến 12 chuyến từ Sa Kỳ- Lý Sơn và 10 chuyến rời Lý Sơn về Sa Kỳ. Vì vậy, chúng tôi phải tuyên truyền với bà con ngư dân nhường cảng lại cho khách du lịch. Và may mắn là dịp lễ trùng với mùa trăng, bà con ngư dân ít đi khai thác thủy sản, nên nhờ đó, việc lưu thông của hành khách mới được thuận tiện”, ông Huỳnh Công Trí - Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn cho biết.
Ngư dân “nhường” du khách
Mùa đánh bắt của ngư dân (từ tháng 2-tháng 6) trùng với các thời điểm mà lượng khách du lịch tìm đến Lý Sơn tăng cao. Không cập cảng Sa Kỳ như các tàu đánh bắt xa bờ, các tàu đánh bắt gần bờ hành nghề lưới vây, lưới rút công suất nhỏ của ngư dân Lý Sơn liên tục cập cảng cá Lý Sơn để bốc dỡ hải sản và giũ sạch ngư lưới cụ cho chuyến biển tiếp theo. Tuy nhiên, do cảng cá đảm đương luôn nhiệm vụ là cảng giao thông nên tàu ngư dân phải “nhường” chỗ neo đậu cho tàu khách. “Cảng nhỏ, chỉ có thể cập khoảng 8 tàu một lần, nên anh em ngư dân phải nhường nhau. Rồi giờ, lại phải nhường và ưu tiên luôn cho tàu khách. Đang cập bờ mà tàu khách về, là anh em chúng tôi phải tự động dời thuyền ra xa và chờ cho du khách xuống hết, tàu khách dời đi, thì chúng tôi mới có thể tiếp tục cập cảng”, các ngư dân hành nghề lưới vây, lưới rút ở Lý Sơn cho biết.
Ngư dân chịu thiệt thòi, còn du khách thì kém vui khi điểm đặt chân đầu tiên khi đến đảo lại khá nhếch nhác. Vì vậy, việc tách biệt cảng cá Lý Sơn và cảng giao thông là việc làm cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thì, mặc dù huyện đã kiến nghị nhiều lần, nhưng do nguồn vốn để xây dựng cảng giao thông quá lớn, nên đến nay, huyện vẫn chưa có kinh phí xây dựng. Song, “hiện nay, khi Lý Sơn đang bắt đầu thu hút được sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước, thì việc xây dựng một cảng giao thông riêng biệt, an toàn, hợp vệ sinh…là điều cấp bách để giữ chân du khách”, bà Hương kiến nghị.
Bài, ảnh: Ý THU