Các xã ven biển: Bức tranh đa sắc màu

02:05, 14/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, cùng với nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ và nhân dân các xã ven biển đã tận dụng, khai thác lợi thế địa phương phát triển kinh tế, tạo nên bức tranh đầy sắc màu, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

“Phổ Quang là một trong những địa phương có nghề biển truyền thống lâu đời. Nghề khai thác hải sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Những năm qua, ngư dân tập trung đầu tư đóng mới, nâng công suất tàu thuyền, nhằm khai thác điều kiện sẵn có, góp phần tăng hiệu quả, năng suất đánh bắt hải sản. Điều vui mừng là hầu hết tàu tại Phổ Quang đều ra khơi đánh bắt, không có tàu nào phải nằm bờ”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (Đức Phổ) giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương.

 

Nghề đánh bắt hải sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân các xã ven biển.
Nghề đánh bắt hải sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân các xã ven biển.

Trên địa bàn Phổ Quang, cửa biển Mỹ Á là một trong hai đầu mối giao thông đường thủy của huyện Đức Phổ. Vì vậy, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở đây khá phát triển. Năm 2014, sản lượng đánh bắt của ngư dân Phổ Quang ước đạt 13 nghìn tấn, mang lại doanh thu hơn 208 tỷ đồng. Đời sống người dân Phổ Quang ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm. Tính đến thời điểm cuối năm 2014,  tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11%. Hơn 90% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Những con số trên đã phần nào nói lên sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân Phổ Quang trong việc đưa kinh tế địa phương phát triển ổn định.

“Giao thông thuận tiện đã góp phần “khơi thông” và đẩy mạnh phát triển ngư nghiệp của địa phương. Từ đầu năm đến nay, ngày nào cảng cá Mỹ Á cũng tấp nập, đông vui. Ngư dân liên tục trúng các luồng cá, tàu nào cũng đầy khoang khi cập bờ. Tàu vừa vô là thương lái cho xe đến thu mua liền”, ông Võ Xuân Cẩm, một ngư dân ở Phổ Quang cho hay.

Đối với xã ven biển Bình Đông (Bình Sơn), những năm qua, cán bộ và nhân dân trong xã không ngừng nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

“Giai đoạn trước năm 2000, nhân dân Bình Đông chủ yếu sống nhờ nông nghiệp. Từ sau năm 2000, phần lớn diện tích đất ở địa phương quy hoạch vào KKT Dung Quất, người dân đã chuyển hướng đẩy mạnh sang nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, toàn xã có 120 tàu cá, trong đó 78 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ngư dân ra khơi theo tổ đội, đoàn kết và hỗ trợ nhau đánh bắt trên biển”, ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết.

Là xã ven biển của huyện Mộ Đức với 6km bờ biển, Đức Thắng có 1.721 hộ với 7.832 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nông nghiệp, chỉ một số ít hộ làm nghề đánh bắt. Căn cứ vào tình hình của địa phương, từ năm 2008 đến nay, với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Đức Thắng đã xây dựng một số công trình dân sinh thiết yếu phục vụ nhân dân như trường học, chợ, giao thông nông thôn, thủy lợi...

Các xã ven biển có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, giải quyết việc làm là một trong những vấn đề quan trọng đối với nhiều địa phương, nhất là các xã ven biển của Bình Sơn có đất trong vùng quy hoạch KKT Dung Quất.

Những năm qua, cán bộ và nhân dân Bình Đông đã nhường đất cho các công trình, nhà máy. Đáp lại, khu dân cư hạ lưu sông Trà Bồng - Đập Cà Ninh với diện tích gần 200ha được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ điện, đường, trường, trạm… sẽ góp phần mang lại diện mạo mới cho cuộc sống người dân  thôn Tân Hy, Sơn Trà (Bình Đông).

“Về lâu dài, địa phương đang nỗ lực tìm hướng tạo việc làm hiệu quả, bền vững cho người dân. Để song hành với những công trình, nhà máy lớn đang mọc lên, thì đời sống người dân càng ổn định và phát triển”, ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông nói.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.