(Báo Quảng Ngãi)- Chủ trương cho vay ưu đãi với gói 30.000 tỷ đồng nhằm “hâm nóng” thị trường bất động sản và hỗ trợ cho những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở xã hội. Thế nhưng, dù đã bổ sung, mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện vay song ở Quảng Ngãi đến nay gói ưu đãi này vẫn chưa rục rịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chính sách hấp dẫn
Đầu năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7.1.2013 cho vay nhà ở xã hội với gói ưu đãi đến 30.000 tỷ đồng. Đối tượng là người thuê, mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị ghi trên hợp đồng đã bao gồm VAT không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp kinh doanh nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội cũng thuộc diện được vay ưu đãi. Trong gói 30.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương sẽ dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp, 70% còn lại sẽ cho người mua vay như một biện pháp kích cầu.
Nhiều lao động có thu nhập thấp ở Quảng Ngãi vẫn ở nhà thuê, nhà trọ, họ đang cần có chỗ ở ổn định lâu dài. |
Thời gian hỗ trợ vay gói ưu đãi tối đa là 15 năm, trong đó 10 năm đầu tiên (tính từ 1.6.2013) sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 5% - 6%/năm, 5 năm tiếp theo sẽ tính theo lãi suất thị trường (bắt đầu từ ngày 1.6.2023). Mức vay tối đa là 80% đối với đối tượng làm trong cơ quan nhà nước và 70% đối với các đối tượng ngoài cơ quan nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ngãi thì ở Quảng Ngãi có 4 ngân hàng tham gia hỗ trợ gói tín dụng này khi Nghị quyết 02 có hiệu lực, là: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư&Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank). Qua một năm triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ vẫn chưa thâm nhập vào thị trường Quảng Ngãi. Nhiều tỉnh, thành khác cũng trong tình trạng tương tự.
Để kích cầu nguồn vốn vay, ngày 21.8.2014, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết 61/NQ – CP bổ sung nới lỏng đối tượng cho vay và điều kiện cho vay đối với gói tín dụng 30.000 tỷ. Theo đó, đối tượng cho vay tiếp tục bổ sung, gồm: Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hay có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình...
Nghị quyết 61 cũng sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm (quy định cũ 10 năm) khi vay vốn để mua, thuê nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, ngân hàng cho vay vốn gói 30.000 tỷ không nằm trong phạm vi hẹp như trước mà đã bổ sung thêm 8 ngân hàng.
Vốn vẫn “đóng băng”
Đầu tháng 4 vừa qua, từ gói tín dụng 30.000 tỷ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng hoàn thành và tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng khoảng 5.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp, với giá bán trên 100 triệu đồng/căn hộ 30 m2. Tỉnh Bình Dương sẽ xây thêm 10.000 căn hộ diện tích từ 40 - 70 m2 dành cho người có thu nhập trung bình. Số căn hộ này tiếp tục được xây dựng ở những nơi có nhiều khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: Agribank Quảng Ngãi sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn này cho đối tượng hưởng lợi. Sau khi có công văn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về gói 30.000 tỷ, Agribank đã có văn bản triển khai đến các chi nhánh, cán bộ tín dụng trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có đối tượng nào có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội.
Cũng giống như Agribank, BIDV Quảng Ngãi là một trong những ngân hàng cho vay vốn 30.000 tỷ trong đợt đầu khi Nghị định 02 ra đời, nhưng đến nay nguồn vốn vẫn “bất động”. Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi giải thích: “Không có người vay, không có tổ chức đơn vị nào hỏi thăm, mặc dù ngân hàng đã triển khai với nhiều hình thức. Trong năm 2015 này, BIDV tiếp tục đẩy mạnh cho vay nguồn vốn này để góp phần tăng trưởng tín dụng”.
Theo ông Trần Luyện – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Quảng Ngãi thì trên địa bàn tỉnh hầu hết các ngân hàng đều có trách nhiệm cho vay vốn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trao đổi với nhiều ngân hàng ở Quảng Ngãi trong danh sách cho vay đợt đầu lẫn đợt sau khi có Nghị định 61 bổ sung thì gói tín dụng 30.000 tỷ này hiện vẫn trong tình trạng “đóng băng”.
Qua khảo sát sơ bộ đối với những cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thì rất nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội. Đấy là chưa kể, trong tương lai gần, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi xây dựng hoàn thành sẽ thu hút hàng chục nghìn lao động, kéo theo đó nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ tăng nhanh. Trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ vẫn chưa “rục rịch” ở Quảng Ngãi thì những người thuộc diện được hưởng chính sách này sẽ bị thiệt thòi.
Bài, ảnh: MAI HẠ